Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá gạo tiếp tục tăng mạnh tại châu Á

Trên thị trường, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, đạt 627-630 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá gạo tiếp tục tăng mạnh tại châu Á ảnh 1Một cửa hàng bán gạo tại Pekan Mundok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuần qua, giá gạo tiếp tục tăng mạnh tại hầu hết các trung tâm xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, do tâm lý lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Thị trường gạo châu Á

Trên thị trường, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, đạt 627-630 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.

Một thương nhân ở thủ đô Bangkok cho biết giá gạo cao khiến hoạt động bán hàng ngưng trệ, đồng thời tiết lộ nhiều khả năng sẽ có thêm nguồn cung mới tham gia thị trường vào cuối tháng này.

Một thương gia khác chia sẻ Thái Lan có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2023, nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ấn Độ. Sau khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải basmati ngày 20/7, giá gạo đồ 5% tấm của nước này đã tăng lên mức kỷ lục 450-455 USD/tấn.

Một nhà xuất khẩu cho biết giá gạo đồ của Ấn Độ tăng, vì đó là loại gạo duy nhất được phép xuất khẩu. Nhưng nhu cầu đang thấp hơn bình thường vì giá cao.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm cũng đang được chào bán ở mức đỉnh của 15 năm, là 590-600 USD/tấn, cao hơn so với mức 550-575 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ và một số nước khác hạn chế xuất khẩu.

Nhận định về triển vọng giá gạo, nhiều thương nhân nói: “Chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào.” Trong hai tuần qua, giá lúa của Việt Nam đã tăng mạnh, lên ngưỡng 6.800-7.200 VND (0,29-0,3 USD)/kg, do nhu cầu lớn từ các nhà xuất khẩu và chế biến.

Thị trường nông sản Mỹ

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/8, giá ngô trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng 0,75%, tương đương 4 xu Mỹ. Cụ thể, giá ngô giao tháng 9/2023 và giao tháng 12/2023 được niêm yết lần lượt ở mức giá 4,8475 USD/bushel và 4,9759 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao tháng 9/2023 cũng tăng 8 xu Mỹ, lên 6,35 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 8/2023 tăng 15,25 xu Mỹ, lên mức 14,44 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giao tháng 9/2023 tăng 2,5 xu Mỹ, lên 13,8450 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

[FAO: Lần đầu tiên trong 9 tháng, giá lúa mỳ thế giới tăng]

Bà Naomi Blohm, cố vấn thị trường cấp cao của công ty Stewart Peterson nhận định, một loạt yếu tố đang gây áp lực lên giá ngô trong ngắn hạn, đó là điều kiện thời tiết có xu hướng cải thiện, nhu cầu xuất khẩu có dấu hiệu yếu đi, hoạt động bán ra của các quỹ và đồng USD tăng giá.

Thị trường càphê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/8, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều đi xuống. Giá càphê Robusta giao tháng 9/2023 giảm 33 USD, xuống 2.612 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 11/2023 giảm  28 USD, còn 2.488 USD/ tấn.

Giá càphê Arabica trên sàn giao dịch ICE US-New York cũng nối tiếp xu hướng giảm. Giá càphê Arabica giao tháng 9/2023 giảm 3,40 xu Mỹ, xuống 161,35 xu USD/lb và giá càphê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 3,05 xu Mỹ, còn 160,95 xu USD/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình (1 lb = 0,4535 kg).

Giá càphê thế giới đi xuống sau khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục nâng lãi suất, gây sức ép cho các thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.