Lo ngại về nhu cầu tiếp tục kéo giá dầu thế giới đi xuống

Khép phiên 5/10, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,74 USD xuống 84,07 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,91 USD, xuống 82,31 USD/thùng.
Lo ngại về nhu cầu tiếp tục kéo giá dầu thế giới đi xuống ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên 5/10, nới rộng mức giảm gần 6% trong phiên trước đó, do những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu đã lấn át quyết định của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, nhằm duy trì cắt giảm sản lượng dầu, giữ nguồn cung thắt chặt.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,74 USD, tương đương 2,03%, xuống 84,07 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,91 USD, tương đương 2,3% xuống 82,31 USD/thùng.

[Ngân hàng JPMorgan dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm trong quý 4 năm 2023]

Hai loại dầu chủ chốt này đã giảm khoảng 10 USD/thùng trong vòng chưa đầy 10 ngày sau khi tăng gần 100 USD vào cuối tháng 9/2023.

Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial cho biết, các nhà đầu tư đang lo lắng rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đạt mức cao nhất khó có thể đạt được.

Giá dầu đã giảm hơn 5 USD/thùng trong phiên 4/10, mức giảm lớn nhất tính theo ngày trong hơn một năm qua, ngay cả sau cuộc họp của hội đồng cấp bộ trưởng OPEC+.

Nhóm này đã không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách sản lượng dầu và Saudi Arabia cho biết nước  này sẽ duy trì mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023, trong khi Nga sẽ giữ mức hạn chế xuất khẩu tự nguyện 300.000 thùng/ngày cho đến hết tháng 12/2023.

Dữ liệu của chính phủ ngày 4/10 cũng cho thấy nhu cầu xăng dầu của Mỹ giảm mạnh. Xăng thành phẩm, đại diện cho nhu cầu, đã giảm trong tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.

Giá dầu sưởi kỳ hạn tại Mỹ giảm hơn 5% do kỳ vọng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga được đưa ra vào tháng trước sẽ sớm được dỡ bỏ và sự gián đoạn nguồn cung sẽ ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán của thị trường.

Theo một cuộc khảo sát, dữ liệu đưa ra ngày 4/10 cũng cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ chậm lại trong khi nền kinh tế khu vực đồng euro có thể suy giảm trong quý 3/2023.

Đồng USD giảm giá nhưng vẫn tiếp tục duy trì gần mức cao nhất trong 11 tháng, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài.

Ngày 5/10, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đường ống dẫn dầu từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã bị đình chỉ khoảng sáu tháng, đã sẵn sàng hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.