Lo ngại Venezuela hạn chế xuất khẩu, giá dầu châu Á đi lên

Giá dầu Brent Biển Bắc tăng hơn 1% tại thị trường châu Á trong phiên 6/6, sau khi Venezuela gia tăng triển vọng dừng phần nào hoạt động xuất khẩu dầu.
Lo ngại Venezuela hạn chế xuất khẩu, giá dầu châu Á đi lên ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Caracas, Venezuela. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu Brent Biển Bắc tăng hơn 1% tại thị trường châu Á trong phiên 6/6, sau khi Venezuela gia tăng triển vọng dừng phần nào hoạt động xuất khẩu dầu.

Tuy nhiên, đà tăng phiên này bị hạn chế bởi thông tin Chính phủ Mỹ đề nghị Saudi Arabia và một số nước sản xuất dầu khác gia tăng sản lượng khai thác dầu.

Vào lúc 13 giờ 45 phút giờ Việt Nam, tại Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 78 xu Mỹ lên 76,16 USD/ thùng sau khi có lúc sụt xuống mức thấp nhất kể từ phiên 8/5 ghi nhận trong phiên trước.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 33 xu Mỹ lên 65,85 USD/ thùng, sau khi có lúc hạ chạm mức thấp trong gần hai tháng trong phiên trước.

Tony Nunan, nhà quản lý về rủi ro tại Mitsubishi Corp, nhận định hiện tình thế giống như trò chơi kéo co, khi một bên là “mất mát trong nguồn cung từ Venezuela và Iran," bên còn lại “khả năng sản lượng gia tăng từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và dầu khí đá phiến Mỹ."

[Giá dầu tăng tại châu Á do khả năng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm]

OPEC và Nga dự kiến nhóm họp vào ngày 22-23/6 để quyết định mức sản lượng hai bên sẽ gia tăng khi dự trữ dầu toàn cầu đã thắt chặt và sản lượng dầu của Venezuela đã giảm mạnh hơn dự đoán.

Các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt đối với Iran hiện cũng đang đe dọa làm giảm xuất khẩu dầu từ nhà sản xuất dầu OPEC này.

Nhà phân tích Virendra Chauhan thuộc Energy Aspects nhận định hiện tại, giá dầu đang được định hướng bởi OPEC và các quan điểm về việc OPEC cùng những nước sản xuất dầu nằm ngoài khối này sẽ tăng bao nhiêu sản lượng và với tốc độ như thế nào.

Hãng tin Reuters ngày 25/5 đưa tin các nước sản xuất dầu đang cân nhắc tăng sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày, với quyết định cuối cùng được đưa ra trong cuộc họp sắp tới ở Vienna, Áo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.