Lo nhu cầu nhiên liệu giảm, giá dầu thế giới giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho rằng những lo ngại về nhu cầu dầu đang bị thổi phồng và nhận định giá sẽ tăng trong những tuần tới.
Lo nhu cầu nhiên liệu giảm, giá dầu thế giới giảm tuần thứ 3 liên tiếp ảnh 1Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Brega (Libya). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đã ghi nhận tuần giảm tuần thứ ba liên tiếp.

Nhu cầu nhiên liệu giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và do lo ngại khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tuần qua, giá dầu Brent giảm 5,3% trong khi giá dầu WTI giảm 7,1%. Cả hai loại dầu đều giảm giá ba tuần liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.

Chốt phiên cuối tuần qua, giá dầu Brent tăng 3,9%, lên 75,3 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,1%, lên 71,34 USD/thùng sau bốn phiên giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021.

Hôm 4/5, giá dầu biến động nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giảm tốc độ tăng lãi suất. Giá dầu Brent tăng 0,24% lên 72,5 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 0,06% xuống 68,56 USD/thùng.

Trong phiên trước đó, ngày 3/5, giá dầu tiếp tục giảm sau khi Fed tăng lãi suất và dự trữ xăng của Mỹ bất ngờ tăng cùng với những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá dầu WTI giảm 4,27% xuống 68,60 USD/thùng, giá Brent cũng giảm 3,97% xuống 72,33 USD/thùng.

Phiên 2/5, những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ và khả năng Fed và ECB tăng lãi suất khiến giá dầu giảm hơn 5%. Giá dầu WTI giảm 5,29% chốt phiên ở mức 71,66 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 5,03% xuống 75,32 USD/thùng.

Phiên đầu tuần 1/5, giá dầu giảm trước những số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và dự đoán sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa đã "lấn át" sự hỗ trợ của việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng trong tháng này.

Giá dầu Brent khép phiên này giảm 1,3% xuống 78,45 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,5% xuống 75,66 USD/thùng.

[Giá dầu thế giới tiếp đà giảm giá sau khi Fed tăng lãi suất]

Những lo ngại về nhu cầu dầu đã bị thổi phồng và giá sẽ tăng trong những tuần tới - các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank nhận định.

Những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế đã giảm bớt cùng với các báo cáo việc làm vượt dự báo của Mỹ, trong khi các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng Sáu tới.

Tại Trung Quốc, hoạt động của các nhà máy bất ngờ giảm trong tháng Tư khi số đơn hàng giảm và nhu cầu trong nước thấp. Dù vậy, khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ hỗ trợ giá dầu - theo nhà phân tích thị trường tại công ty tài chính OANDA Kelvin Wong.

Hôm 4/5, truyền thông Trung Đông đưa tin Saudi Arabia cùng ngày đã quyết định giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô nhẹ Arab cho các quốc gia châu Á. Quyết định có hiệu lực từ tháng Sáu, cho phép giá dầu thô nhẹ Arab giảm 0,25 USD/thùng so với OSP đối với Mỹ đang ở mức 6,25 USD/thùng.

Biến động giá dầu thô của Saudi Arabia luôn được quốc tế theo dõi chặt chẽ bởi mọi quyết định của Riyadh đều tác động tới giá dầu thô của toàn thế giới. Hiện Saudi Arabia đang vất vả cạnh tranh với nguồn dầu thô giá rẻ của Nga tại các thị trường Ấn Độ và Trung Quốc.

Saudi Arabia mới đây cùng với các quốc gia thuộc OPEC+ đã cắt giảm thêm 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày để kéo giá năng lượng lên, bất chấp những lo ngại của Mỹ về nguy cơ lạm phát.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố mặc dù dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ giảm 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/4, nhưng dự trữ xăng tăng một cách đáng ngạc nhiên 1,7 triệu thùng.

Lo nhu cầu nhiên liệu giảm, giá dầu thế giới giảm tuần thứ 3 liên tiếp ảnh 2Cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế tiếp tục đè nặng lên giá dầu.

Nhà phân tích của công ty tài chính FX Empire, Christopher Lewis, mới đây cho biết với việc giá dầu tiếp tục sụt giảm, có vẻ như thị trường bắt đầu cảm nhận tác động của nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Những lo ngại về suy thoái đang tiếp diễn trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và Bộ trưởng Tài chính nước này - bà Janet Yellen - phát biểu về nguy cơ nước này vỡ nợ, gây thêm sức ép lên giá dầu.

Những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng cũng đã gây sức ép lên giá dầu trong những tuần gần đây và các nhà quản lý Mỹ đã tịch thu tài sản của First Republic Bank cuối tuần qua trước khi JPMorgan Chase & Co tiến hành mua hầu hết tài sản của ngân hàng này.

Peter McNally, nhà phân tích của Third Bridge cho biết thị trường đang phụ thuộc nhiều vào những gì xảy ra với Trung Quốc và số liệu về lĩnh vực sản xuất đang gây thất vọng. Ông McNally cho rằng Trung Quốc dự kiến sẽ là yếu tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.