Lộ trình cho du lịch tàu biển Việt Nam phát triển bền vững

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, để du lịch tàu biển Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả cao và bền vững, trong thời gian tới phải tập trung vào 5 nhóm giải pháp...
Lộ trình cho du lịch tàu biển Việt Nam phát triển bền vững ảnh 1Tàu biển du lịch quốc tế cập cảng khách quốc tế Hạ Long. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đạt mốc mới cho lượng khách quốc tế đến với con số 15 triệu. Tuy nhiên, lượng khách đến từ đường biển chỉ đạt tỷ lệ vô cùng khiêm tốn là 2-3%. Trong khi đó, Đảng và Chính phủ đang xác định những năm tới đây ưu tiên du lịch biển đảo lên hàng đầu trong bốn dòng sản phẩm du lịch chủ lực của nền du lịch nước nhà.

[Du lịch tàu biển Việt Nam: 'Trâu chậm' học cách uống nước sạch]

Để đạt được mục tiêu này, các tư lệnh ngành đã xây dựng được chiến lược dài hơi với những nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, để du lịch tàu biển Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả cao và bền vững, trong thời gian tới phải tập trung vào năm nhóm giải pháp.

Thứ nhất, cần phải xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống luật pháp và các cơ chế chính sách khuyến khích du lịch tàu biển. Giải pháp hàng đầu này đặt trách nhiệm lên vai các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Giao thông Vận tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Để hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo môi trường pháp lý cho du lịch tàu biển phát triển, ông Chung cho rằng, cần sửa đổi bổ sung luật xuất nhập cảnh, lưu trú của người nước ngoài ở Việt Nam theo tinh thần thông thoáng, mở cửa thuận lợi; đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch; cải tiến thủ tục hành chính tại các cửa khẩu, cảng biển về xuất nhập cảnh theo tinh thần minh bạch, đơn giản, gọn nhẹ và rút ngắn thời gian; các thủ tục quản lý, cấp phép về luồng, tuyến, cảng phí… trong lĩnh vực hàng hải cũng cần phải được nghiên cứu, xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón, đi lại của các tàu đón khách đến Việt Nam.

Lộ trình cho du lịch tàu biển Việt Nam phát triển bền vững ảnh 2Cảng khách quốc tế Hạ Long - cảng khách quốc tế chuyên dụng đầu tiên ở Việt Nam vừa chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 12 này. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thứ hai, cần phải đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch tàu biển, coi đây như một trong những giải pháp hết sức quan trọng thời gian tới. Để làm tốt giải pháp này, trước tiên cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch biển, xây dựng các cảng chuyên dụng đón khách du lịch tàu biển hiện đại, đồng bộ.

Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước chưa có nhiều cảng chuyên dụng đón khách quốc tế như cảng Hạ Long thì tận dụng các cảng hỗn hợp. Nhưng để các cảng này đáp ứng đủ điều kiện của cảng đón khách du lịch tàu biển thì phải đầu tư bổ sung nhiều trang thiết bị, như các thang chuyên dụng từ tàu xuống cảng, xe hút bụi, hệ thống nhà vệ sinh, xe điện nội bộ, y tế chăm sóc sức khỏe, giải trí mua sắm…

Cải thiện hạ tầng giao thông gắn với cảng biển để kết nối hạ tầng giao thông này với cảng biển, với điểm đến là vô cùng quan trọng.

Lộ trình cho du lịch tàu biển Việt Nam phát triển bền vững ảnh 3Cận cảnh tàu biển hiện đại Star Cruises. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

Thứ ba, ưu tiên xây dựng đồng bộ các loại hình, sản phẩm du lịch để kết nối với các thị trường khách du lịch tàu biển, như vui chơi giải trí, các điểm mua sắm, sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, ẩm thực, các khu nghỉ dưỡng cao cấp… nhằm kéo dài chương trình thăm quan trên bờ của khách, sử dụng nhiều dịch vụ hơn để thu hút nhiều hãng tàu lớn đến neo đậu lâu hơn tại các cảng biển.

Ông Chung nhấn mạnh, những việc này giúp gia tăng các giá trị từ khách du lịch tàu biển, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng tàu, tạo ra sự khác biệt và trải nghiệm mới hấp dẫn.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến đối với thị trường khách du lịch tàu biển - đây vốn là điểm yếu và khoảng trống của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua.

Để làm được việc này ngành du lịch cần: tham gia các hội chợ du lịch tàu biển quốc tế, tổ chức các famtrip dành cho các khách du lịch tàu biển; thông tin về các hoạt động văn hóa lớn, các lễ hội, các sự kiện lớn của đất nước đến các hãng tàu biển để họ biết và bố trí lộ trình thời gian đưa khách đến Việt Nam; ưu tiên kinh phí công tác xúc tiến giới thiệu du lịch tàu biển của Việt Nam đối với các quốc gia phát triển du lịch tàu biển như Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc…; xây dựng thương hiệu du lịch mạnh gắn với du lịch tàu biển.

Lộ trình cho du lịch tàu biển Việt Nam phát triển bền vững ảnh 4Du thuyền Island Princess ở Alaska này cũng đã ghé cảng biển Việt Nam trong năm nay. (Ảnh: Princess Cruises)

Thứ năm, tăng cường liên kết, hợp tác và đào tạo, bố trí nhân lực để phát triển sản phẩm du lịch tàu biển.

Theo ông Ngô Hoài Chung, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và mang tính quốc tế cao. Chính vì vậy, một sản phẩm, một điểm đến, một địa phương không thể phát triển được nếu không liên kết và hợp tác.

Trong liên kết, hợp tác cần tập trung phối hợp giữa các ngành hữu quan như du lịch, giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, công an… trong việc tham mưu cho Chính phủ để phát triển du lịch tàu biển; hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch bao gồm lữ hành, tàu biển, điểm đến, vui chơi giải trí, ăn nghỉ, mua sắm để tạo chuỗi các sản phẩm phục vụ du lịch tàu biển; liên kết, hợp tác quốc tế giữa các hãng tàu biển, các đại lý tàu biển, các cảng biển, các hãng lữ hành; bố trí nhân lực phù hợp với dòng khách tàu biển vốn đa quốc tịch, chất lượng cao đòi hỏi hướng dẫn viên giỏi nghiệp vụ, ngoại ngữ và cả kỹ năng mềm.

Ông Ngô Hoài Chung nói về du lịch tàu biển Việt Nam.

Với nhóm năm giải pháp Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung vừa phân tích, hy vọng đây có thể là kim chỉ nam cho du lịch tàu biển Việt Nam phát triển và có cơ hội phát triển bền vững ở một khởi đầu chậm nhưng chắc./.

Ngày 20/10/2018, Ban chấp hành TW Đảng ban hành Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết đã khẳng định quan điểm, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển, phát triển thịnh vượng, bền vững, an ninh và an toàn.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã xác định, phát triển các ngành chuyên dụng có lợi thế về du lịch tàu biển.

Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng đưa biển đảo lên ưu tiên hàng đầu trong bốn dòng sản phẩm du lịch chủ lực của du lịch nước nhà. Do đó, phát triển du lịch biển đảo nói chung, du lịch tàu biển nói riêng là một trong những ưu tiên trong định hướng chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam những năm tới đây.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục