Khoảng 1 tấn vải thiều Thanh Hà, lô hàng đặc sản Việt Nam đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247, đã chính thức được bày bán từ ngày 13/6 tại siêu thị Thanh Bình Jeune ở thủ đô Paris của Pháp.
Lô hàng nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không này đang tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, với tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam phát triển, người tiêu dùng tại Pháp giờ đây không những có thể ngay lập tức tiếp cận thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.
[Bộ Công Thương: Lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên đã tới Pháp]
Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết với xu thế mới trên thế giới hiện nay là tiêu dùng có trách nhiệm, tem truy xuất nguồn gốc itrace247 không chỉ đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới ở việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ trang trại tới bàn ăn, mà còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam, đồng thời gửi đi thông điệp đặt người tiêu dùng làm trọng tâm.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Sơn, phụ trách xuất nhập khẩu của công ty Thanh Bình Jeune, đây là lô vải đầu tiên được nhập khẩu với số lượng lớn và trực tiếp bởi hệ thống siêu thị Thanh Bình Jeune.
Điều này có ý nghĩa sẽ "khai thông thị trường" đặc biệt quan trọng, bởi từ trước tới nay, vải Việt Nam chỉ nhập thị trường Pháp với số lượng nhỏ và được nhập khẩu chung với các đơn hàng trái cây ngoại lai khác, hoặc được đưa vào Pháp từ các nước châu Âu khác có điều kiện nhập khẩu ít chặt chẽ hơn.
Dự kiến, trong mùa vải này, Thanh Bình Jeune sẽ nhập khẩu từ 5-7 tấn vải để thăm dò thị trường, hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, các khách hàng Pháp sau khi nếm thử trái vải Thanh Hà tại siêu thị Thanh Bình Jeune đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon và ngọt dịu đặc trưng, bởi người Pháp vốn đã quen với trái vải nhập khẩu từ Madagascar vào mỗi mùa Đông, quả nhỏ và vị chua nhẹ.
Nhiều khách hàng đã quyết định mua để cả gia đình thưởng thức, cho dù giá 18 euro/kg là "hơi đắt" so với nhiều loại trái cây nhập khẩu khác.
Theo ông Nguyễn Tuấn Sơn, lô vải thiều nhập khẩu đã được hưởng thuế ưu đãi 0% nhờ EVFTA, song đại dịch COVID-19 đã khiến giá cước vận chuyển tăng gấp 5-6 lần so với trước đây, điều này giải thích giá bán vải thiều tại Thanh Binh Jeune vẫn còn cao.
Để chinh phục những thị trường khó tính, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, đã có những chỉ đạo sát sao tới các thương vụ Việt Nam về việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp, tìm hướng đi mới cho nông sản Việt Nam.
Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đổi mới phương cách làm việc, thích nghi với những lệnh giới nghiêm và giãn cách xã hội liên tục vì dịch bệnh COVID-19, để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, tạo tiền đề đưa trái vải Việt Nam vào thị trường này.
Hiện Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hà Lan, và là thị trường đầu vào cho châu Âu.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu tại Pháp và EU, mở ra cơ hội cho không chỉ mặt hàng nông sản mà các sản phẩm chất lượng khác của Việt Nam được quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng tại Pháp và EU./.