Logistics AI: Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Việc xây dựng Trung tâm Logistics và cảng cạn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0 độc đáo, mới lạ tại Việt Nam được coi là “điểm sáng” trong bức tranh toàn cảnh ngành logistics.
Logistics AI: Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ảnh 1Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc T&T Group và Ông Robert Yap, Chủ tịch điều hành Tập đoàn YCH (Singapore).

Trong bối cảnh ngành logistics Việt Nam còn nhiều tồn tại, chưa phát huy được hết tiềm năng, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, việc xây dựng Trung tâm Logistics và cảng cạn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0 độc đáo, mới lạ tại Việt Nam được coi là “điểm sáng” trong bức tranh toàn cảnh ngành logistics.

Thay đổi tư duy quản lý logistics trong cách mạng công nghiệp 4.0

Với sự phát triển nhanh của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa hay giá cả ngày càng thu hẹp. Các nhà sản xuất, xuất khẩu đã chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lý hóa và giảm chi phí của quá trình lưu chuyển hàng hóa trong hệ thống quản lý phân phối. Logistics vì thế đã trở thành thành tố quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối của nền kinh tế, đặc biệt trong giao thương quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Là con số cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức. Đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và cộng đồng kinh tế lớn.

Tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics” được tổ chức hồi tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chi phí logistics cao đang là rào cản lớn, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế.

Ngoài ra, để tháo gỡ rào cản sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, phải thay đổi tư duy trong quản lý ngành logistics để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, phải nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngành, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ,...

Giải pháp toàn diện về logistics

Trong bối cảnh các doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ cung cấp một số dịch vụ đơn giản trong chuỗi logistics như kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho..., mới đây Tập đoàn T&T Group đã quyết định “bắt tay” cùng đối tác hàng đầu châu Á trong lĩnh vực logistics là Tập đoàn YCH (Singapore) để đầu tư phát triển Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0 tại Việt Nam. Dự án này sẽ góp phần giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất, giúp họ kết nối với thị trường bên ngoài tốt hơn, tạo điều kiện để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Theo ông Jeffrey Tan, Giám đốc phát triển doanh nghiệp - Tập đoàn YCH, Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế là một dự án có ý nghĩa rất lớn với sự tham gia không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn bộ các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Dự án sẽ trở thành trung tâm kết nối Trung Quốc, các nước ASEAN và các trung tâm logistics khác trong khu vực thông qua Việt Nam. Bên cạnh đó, đây không chỉ đơn thuần là một cảng cạn mà sau khi hoàn thành, Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế sẽ cung cấp toàn bộ giải pháp chuỗi cung ứng cho khách hàng, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Tại Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế, sẽ có 1 giải pháp toàn diện từ khi hàng hoá được tháo dỡ tại container, chuyển đến các nhà kho và sau đó được chuyển đến tận tay của khách hàng, để đảm bảo có thể truy xuất được xuất xứ hàng hoá từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc của chuỗi cung ứng, giúp cho các công việc tại cảng cạn trở nên hiệu quả hơn trong quá trình vận hành.

Tất cả mọi hoạt động sẽ diễn ra tại trung tâm này, bao gồm cả hải quan, giám sát, thông quan tương tự như quy trình từ cảng đến trung tâm ICD và các chuỗi cung ứng. Công nghệ 4.0 được kết nối vào chuỗi cung ứng, bao gồm cả thiết bị bay không người lái để kiểm đếm hàng hoá, từ đó, đẩy nhanh quy trình kiểm hàng. Tai đây, sẽ sử dụng AGVs - Xe tự động không người lái trong nhà kho, giúp việc nâng dỡ các pallet để hàng hóa và tự động hóa toàn bộ quy trình mà không cần đến sức người.

Logistics AI: Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ảnh 2Đại diện Tập đoàn T&T Group và  đại diện Tập đoàn YCH  trao Biên bản ghi nhớ hợp tác dưới sự chứng kiến của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.

Đánh giá về dự án Trung tâm Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt hoan nghênh việc hợp tác giữa Tập đoàn T&T Group và đối tác Singapore; đồng thời khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, trên cơ sở đó, hình thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn, ngang tầm quốc tế nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế.

“Thông qua giới thiệu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, và sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy T&T Group là một Tập đoàn kinh tế hội tụ đầy đủ uy tín, tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, tính chuyên nghiệp trong cách làm việc và khả năng kết nối với các đối tác. Tập đoàn YCH đánh giá, T&T Group sẽ là đối tác chiến lược để cùng hợp tác phát triển thành công dự án này”, ông Jeffrey Tan, Giám đốc phát triển doanh nghiệp, Tập đoàn YCH chia sẻ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.