"Lối thoát" nào cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka?

Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho biết gần 9 trong số 10 gia đình Sri Lanka đang bỏ bữa hoặc phải ăn uống rất tiết kiệm, trong khi 3 triệu người đang nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
"Lối thoát" nào cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka? ảnh 1Người dân xếp những bình gas đã sử dụng trên một tuyến đường để phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu và khí đốt ở Colombo, Sri Lanka, ngày 7/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Sri Lanka cuối tháng trước thông báo nền kinh tế nợ nần chồng chất của đảo quốc này đã "sụp đổ" khi nước này không còn tiền để chi trả cho thực phẩm và nhiên liệu.

Trong bối cảnh thiếu tiền để thanh toán hóa đơn nhập khẩu các nhu yếu phẩm và mất khả năng trả nợ, Sri Lanka đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước láng giềng như Ấn Độ và Trung Quốc cũng như từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng

Cả Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều đã quyết định từ chức trước áp lực của các đợt biểu tình ở nước này.

Người dân Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trong khi họ phải xếp hàng hàng giờ đồng hồ để cố gắng mua nhiên liệu đang vô cùng khan hiếm. Một quốc gia có kinh tế phát triển nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng đã bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Sri Lanka hồi tháng Tư tuyên bố đình chỉ kế hoạch trả 7 tỷ USD nợ nước ngoài đáo hạn trong năm nay trong khoảng 25 tỷ USD nợ dự kiến đáo hạn tới năm 2026. Tổng nợ nước ngoài của quốc đảo này là khoảng 51 tỷ USD.

Lĩnh vực du lịch, động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, đã bị tác động nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 và quan ngại về an ninh sau các cuộc tấn công khủng bố vào năm 2019. Đồng tiền của Sri Lanka mất giá đến 80%, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm trầm trọng thêm tỷ lệ lạm phát vốn đã tăng ngoài tầm kiểm soát. Giá cả thực phẩm tăng 57%, theo các dữ liệu chính thức.

Kết quả là Sri Lanka mắc kẹt trong khủng hoảng kinh tế-tài chính và không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Những gì đang xảy ra ở quốc đảo Nam Á với 22 triệu dân này còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng tài chính thường thấy ở các nước đang phát triển. Đó là sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế khiến người dân phải vật lộn để mua thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, đồng thời tình trạng bất ổn và bạo lực đang tiếp diễn.

Scott Morris, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận xét: “Cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự đang nhanh chóng chuyển sang một cuộc khủng hoảng nhân đạo."

[Sri Lanka ngừng bán nhiên liệu và đóng cửa một phần các dịch vụ]

Đáng lẽ một quốc gia nhiệt đới như Sri Lanka không thể thiếu lương thực, nhưng thực tế là người dân nước này đang đối mặt với tình trạng này. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết gần 9 trong số 10 gia đình đang bỏ bữa hoặc phải ăn uống rất tiết kiệm, trong khi 3 triệu người đang nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Các bác sỹ đã sử dụng mạng xã hội để cố gắng có được nguồn cung cấp thiết bị và thuốc men quan trọng. Ngày càng có nhiều người Sri Lanka tìm kiếm thị thực để ra nước ngoài tìm việc làm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế kiệt quệ

Các nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế Sri Lanka bắt nguồn từ các yếu tố trong nước như quản lý yếu kém và tham nhũng nhiều năm. Điều kiện kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ trong vài năm qua.

Năm 2019, các vụ đánh bom liều chết tại các nhà thờ và khách sạn trong lễ Phục sinh đã khiến hơn 260 người thiệt mạng. Đây là lý do chính khiến ngành du lịch của Sri Lanka “mất điểm” mà đây lại là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của nước này.

Chính phủ cần tăng thu ngân sách khi nợ nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn tăng vọt, nhưng thay vào đó, chính quyền của Tổng thống Rajapaksa lại thông qua các đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử Sri Lanka.

"Lối thoát" nào cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka? ảnh 2Một trường học tại Colombo, Sri Lanka đóng cửa khi chính quyền nước này đề ra các biện pháp nhằm tiết kiệm nhiên liệu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính sách này đã được đảo ngược, nhưng chỉ sau khi các nước “chủ nợ” hạ xếp hạng tín dụng của Sri Lanka, ngăn nước này vay thêm tiền khi dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh. Sau đó, du lịch Sri Lanka cũng khó có thể khởi sắc khi đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng đến hoạt động du lịch toàn cầu.

Vào tháng 4/2021, chính quyền của ông Rajapaksa đột ngột cấm nhập khẩu phân bón hóa học. Việc thúc đẩy canh tác hữu cơ quá nhanh khiến nông dân không có sự chuẩn bị và cây trồng bị thiệt hại nặng và giá cả nông sản tăng cao.

Để tiết kiệm ngoại hối, Sri Lanka cấm nhập khẩu các mặt hàng được coi là xa xỉ. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá lương thực và dầu mỏ lên cao hơn. Cuối cùng, lạm phát ở đảo quốc này đã lên đến gần 40% với giá thực phẩm đã tăng gần 60% trong tháng 5/2022.

Đến nay Sri Lanka chủ yếu dựa vào 4 tỷ USD tín dụng từ Ấn Độ. Một phái đoàn Ấn Độ đã đến thủ đô Colombo vào tháng Sáu để đàm phán về việc hỗ trợ nhiều hơn cho nước này. Ngoài ra, Sri Lanka cũng đã tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Trước đó, Thủ tướng Wickremesinghe nói với hãng tin AP trong một cuộc phỏng vấn rằng ông sẽ cân nhắc mua dầu chiết khấu cao từ Nga.

Các vấn đề chính trị cũng làm phức tạp thêm bất kỳ kế hoạch cứu trợ tài chính nào dành cho Sri Lanka. Theo tuyên bố của IMF, cơ quan này hy vọng sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Sri Lanka, từ đó tạo điều kiện nối lại đàm phán về gói cứu trợ kinh tế.

Tuyên bố của IMF nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng tìm ra giải pháp cho tình hình hiện tại, từ đó cho phép nối lại cuộc đối thoại giữa hai bên liên quan đến chương trình được IMF hỗ trợ."

Anit Mukherjee, chuyên gia chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, cho biết bất kỳ hỗ trợ nào từ IMF hoặc Ngân hàng Thế giới (WB) đều phải đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo nguồn viện trợ được quản lý kém hiệu quả.

Tuy nhiên, chuyên gia Mukherjee lưu ý rằng Sri Lanka nằm ở một trong những tuyến đường biển có mật độ giao thông nhộn nhịp nhất thế giới, vì vậy không thể để một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược như vậy “sụp đổ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.