Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Trần Phú, huyện Na Rì, từ ngày 5 đến 25/7, trên địa bàn thôn Nà Coóc, xã Trần Phú đã có 100 con lợn chết vì dịch bệnh nhưng người dân không thông báo cho chính quyền xã, thôn được biết.
Từ ngày 26/7 đến ngày 2/8, trên địa bàn các thôn Nà Coóc, Khuổi Mý và Phiêng Pụt tiếp tục có thêm 17 con lợn bị chết với tổng trọng lượng 195kg. Ngoài ra, một số con lợn thuộc các dự án hỗ trợ tại xã Trần Phú cũng bị chết do dịch bệnh.
Chính quyền xã đã phối hợp với Thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Đến ngày 30/7, kết quả xét nghiệm xác định mẫu lợn chết ngày 28/7 đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Na Rì, ngày 31/7, huyện đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Trần Phú.
Tính đến ngày 2/8, tổng số lợn đã tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi gây ra là 9 con với trọng lượng 123kg. Trước thời điểm 26/7, đã có 100 con lợn bị chết, nhưng do người dân không báo trưởng thôn và xã nên chính quyền xã không nắm được tình hình.
[Dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Kon Tum diễn biến phức tạp]
Trong ngày 2/8, Ủy ban Nhân dân huyện Na Rì cũng đã báo cáo tỉnh, tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chỉ còn 168 lít thuốc tiêu độc khử trùng, không đảm bảo cho việc phòng, chống bệnh. Do vậy, huyện Na Rì đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ thuốc tiêu độc khử trùng.
Trong ngày 3/8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã khẩn cấp hỗ trợ, điều chuyển 700 lít thuốc tiêu độc khử trùng từ huyện Chợ Mới và Pác Nặm sang cho huyện Na Rì để phòng, chống dịch bệnh.
Ông Lương Thanh Lộc-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Na Rì cho biết, huyện Na Rì đang chỉ đạo phun thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần/ngày tại vùng dịch, 1 lần/tuần tại các xã bị uy hiếp.
Trước mắt, do các thôn vùng dịch chỉ có đường độc đạo nên xã đã thành lập chốt khử khuẩn, trường hợp dịch tiếp tục lan rộng huyện sẽ thành lập các chốt kiểm dịch.
Trước đó, tháng 3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở Bắc Kạn ở 703 thôn, bản thuộc 116 xã, phường, thị trấn trên đàn lợn của 4.270 hộ dân. Số lượng lợn phải tiêu hủy là hơn 27 nghìn con, tương đương 1.200 tấn, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.
Năm 2022, dịch bệnh này tiếp tục tái bùng phát tại địa phương này cũng gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi./.