Thị trường lao động ở thủ đô London có nguy cơ bị mất hơn 1 triệu việc làm nếu Vương quốc Anh quyết định từ bỏ tư cách thành viên và rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Đây là kết luận được đưa ra trong một bản báo cáo sắp công bố do ông Gerard Lyons - Trưởng cố vấn về kinh tế cho Thị trưởng London Boris Johnson, soạn thảo.
Trả lời phỏng vấn tờ Điện tín Chủ nhật hôm 3/8, ông Lyons cảnh báo rằng London sẽ phải đối mặt với nguy cơ thực sự xuất hiện trên thị trường lao động khi việc làm giảm mạnh. Từ bỏ EU mà không tăng cường mở cửa về thương mại là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sụt giảm về việc làm trên thị trường lao động. Nếu điều này xảy ra, 1,2 triệu việc làm sẽ "bay hơi" trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của London cũng thiệt hại hàng chục tỷ bảng.
Tuy nhiên, bản báo cáo khẳng định rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ không gây ra bất cứ hậu quả nào được coi là "thảm khốc." Kịch bản "trong mơ" đối với nền kinh tế Anh trong 20 năm tới sẽ là việc đảo quốc tiếp tục tham gia EU, nhưng với điều kiện tổ chức khu vực này phải được cải cách sâu rộng và thực chất.
Kết luận của bản báo cáo dường như rất có lợi cho Thủ tướng David Cameron - người vẫn khăng khăng rằng nước Anh cần thúc đẩy các cuộc cải cách EU, hướng tới một cơ chế hiệu quả hơn, với quyền lực được tái cân bằng.
Mặc dù vậy, ông Lyons cho rằng ra khỏi EU cũng là một sự lựa chọn khả dĩ. Quan điểm của ông Lyons phù hợp với kết luận mà hãng tư vấn kinh tế Volterra đưa ra trước đó.
Theo Volterra, GDP của London có thể tăng từ 350 tỷ bảng (khoảng 595 tỷ USD) lên 640 tỷ bảng (khoảng 1088 tỷ USD) vào năm 2034 nếu Anh tiếp tục gắn bó với một EU được cải cách sâu rộng. Trong trường hợp Anh vẫn ở lại mà EU không được cải cách, thì tốc độ tăng GDP của London sẽ dừng ở mức 495 tỷ bảng (khoảng 841 tỷ USD).
Còn nếu Anh rời khỏi EU và triển khai nhiều chính sách mở cửa về thương mại, thì GDP của London sẽ ở mức 615 tỷ bảng (khoảng 1045 tỷ USD) vào năm 2034, thấp hơn không đáng kể so với kịch bản thứ nhất.
Dư luận cho rằng bản báo của ông Gerard Lyons sẽ góp thêm tiếng nói quan trọng, giúp Thủ tướng David Cameron kiên định với lập trường cứng rắn trong quan hệ với EU.
Ông Cameron cam kết rằng nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, thì ông sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017.
Theo kế hoạch, vào ngày 6/8, ông Boris Johnson sẽ đưa ra bản kế hoạch 8 điểm nhằm thúc đẩy nỗ lực cải cách EU. Ông Johnson từng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về việc Anh ra đi hay ở lại EU vào năm 2009, một năm trước khi đảng Bảo thủ chính thức đưa ra đề xuất này.
Ông Johnson đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm của Thủ tướng Cameron trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, quan điểm của hai ông về vấn đề EU hiện không còn mấy bất đồng./.