Long An sẽ ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh và con tôm nước lợ

Ngoài cây lúa, thanh long, chăn nuôi bò thịt, Long An sẽ bổ sung thêm cây chanh và chăn nuôi tôm nước lợ vào chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2021-2025.
Long An sẽ ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh và con tôm nước lợ ảnh 1Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chương trình đột phá mang lại nhiều hiệu quả của tỉnh Long An. (Nguồn: baolongan.vn)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo chương trình, ngoài cây lúa, thanh long, rau màu và chăn nuôi bò thịt, Long An sẽ bổ sung thêm cây chanh và chăn nuôi tôm nước lợ vào chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 60.000ha lúa, 6.000ha thanh long, 3.000ha chanh, 2.000ha rau, 100ha tôm nước lợ và đàn bò thịt có khoảng 300 con bò cái sinh sản được cải tạo, 20.000 con bò gieo tinh nhân tạo với các giống chất lượng cao như Brahman, Droughmaster, Angus…

Theo mục tiêu trên, sẽ có 7 vùng lúa, một vùng chanh và một vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu khắt khe. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 3.000 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách, nguồn dự án hỗ trợ, vốn của doanh nghiệp và người dân.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho hay giai đoạn 2021-2025, Sở sẽ tập trung nâng chất, phát triển các diện tích đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng an toàn, hữu cơ… Đồng thời, tiếp tục xây dựng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt, từ đó nhân rộng về quy mô, diện tích.

[Nông sản Vĩnh Long lên sàn thương mại điện tử với tên miền '.vn']

Tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đẩy mạnh sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận, giống bò, tôm chất lượng cao; sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất; ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất; áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ; tổ chức liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định. Phấn đấu lợi nhuận của người nông dân trong vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tăng tối thiểu 10% so với bên ngoài.

Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân trong tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ giống, kinh phí trong ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa cho người dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, GAHP…; xây dựng, quản lý mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó là việc tổ chức kết nối tiêu thụ, xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra.

Trong giai đoạn 2016-2020, Long An tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, thanh long, rau màu và chăn nuôi bò thịt. Qua thời gian triển khai, toàn tỉnh đã có hơn 22.000ha lúa, 2.000ha rau, 3.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao như ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng giống lúa cấp xác nhận, sử dụng phân bón hữu cơ…

Đối với việc chăn nuôi bò thịt, tỉnh Long An đã xây dựng 10 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi; hỗ trợ người dân ứng dụng cơ giới hóa, cải tạo đàn bò giống sinh sản, hỗ trợ về thụ tinh nhân tạo với đàn bò 5.600 con được sinh ra đạt chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật. Góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Toàn tỉnh đã thành lập mới 46 hợp tác xã và 161 tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân rộng các mô hình.

Người nông dân dần chuyển từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như sử dụng phân hữu cơ, xây dựng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động trong trồng rau; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch cho cây lúa… Từ đó, lợi nhuận của nông dân tăng lên từ 20-50 triệu đồng/ha rau; từ 2-7 triệu đồng/ha lúa; đàn bê con tăng trên 30% về giá trị và trọng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.