Lồng ghép bất bình đẳng giới trong xây dựng luật, phản biện xã hội

Lồng ghép bất bình đẳng giới trong xây dựng luật và nâng chất lượng phản biện xã hội là nội dung được thảo luận sôi nổi tại phiên họp chiều 8/3 Đại hội Phụ nữ 12.
Lồng ghép bất bình đẳng giới trong xây dựng luật, phản biện xã hội ảnh 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trình bày tham luận. (Nguồn: TTXVN)

Trong chương trình làm việc chiều 8/3 của Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, các đại biểu đã chia sẻ những nội dung liên quan đến lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng luật và nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội. Đây là một trong những nội dung quan trọng được xã hội rất quan tâm.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng luật

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp cơ bản và quan trọng nhất để đưa vấn đề bình đẳng giới vào quá trình phát triển. Biện pháp này tạo ra cơ sở pháp lý, khuôn khổ thể chế và nguồn lực cho việc thực hiện bình đẳng giới trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Quốc hội khóa XII (2007-2011) là nhiệm kỳ đầu tiên Ủy ban thực hiện nhiệm vụ thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung lồng ghép giới thông qua việc tăng cường tổ chức các tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia giới đối với việc lồng ghép giới trong dự thảo văn bản pháp luật trình Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Để tăng cường hiệu quả thẩm tra lồng ghép giới, Ủy ban đã tổ chức nhóm chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho Ủy ban thực hiện nhiệm vụ này.

Sau 10 năm thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tiến hành thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Hiến pháp 2013 và 64 dự án luật, pháp lệnh, trong đó 21 dự án do Ủy ban chủ trì thẩm tra, 43 dự án do các Ủy ban khác chủ trì và 3 Nghị quyết.

Nhiều chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ được thể hiện qua các quy định của Hiến pháp, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng...

Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tư cách là cơ quan soạn thảo và đã góp phần quan trọng khi xây dựng Luật bình đẳng giới. Sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn thể hiện trong vai trò là cơ quan phản biện, luật nào thuộc trách nhiệm của Ủy ban cũng có sự tham gia đóng góp tích cực của Trung ương Hội, nhất là đối với những dự án luật có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng khi lần đầu tiên Ủy ban về các vấn đề xã hội là cơ quan trình Quốc hội thông qua dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Với mong muốn nâng cao chất lượng của hoạt động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội hy vọng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Ủy ban thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo trao đổi về giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật cho các cán bộ làm chính sách, pháp luật của Hội ở các cấp.

Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hoạt động định giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội.

Chị Nguyệt cho biết, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn, biên soạn các loại biểu mẫu, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội và đưa vào tiêu chí, xem xét và đánh giá thi đua các cơ sở Hội định kỳ hàng năm, nhiệm kỳ.

Chị Nguyệt cho biết, nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã giám sát thực hiện 12 chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội. Qua giám sát đã phát hiện nhiều vấn đề như bất cập như việc cấp thẻ bảo hiểm thiếu, chậm, sai thông tin trên thẻ; cấp thiếu chế độ phụ cấp cho Chi hội trưởng Phụ nữ; Cấp kinh phí thường xuyên cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở không kịp thời... nên đã kịp thời có văn bản kiến nghị, đề xuất giải quyết.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho rằng, các hoạt động giám sát và phản biện của Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ theo dõi, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em; bình đẳng giới đã được các cấp Hội kiến nghị lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch của nhà nước, của địa phương.

Mối quan hệ xã hội của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng.

Với những kết quả cụ thể đã đạt được qua giám sát và phản biện xã hội đã khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, góp phần tích cực trong xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đề nghị Nhà nước cần thể chế hóa quan điểm của Đảng để hoàn thiện pháp luật về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân như: quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, tiếp thu, giải trình, giải quyết những kiến nghị của Hội; trường hợp không thực hiện trách nhiệm cũng cần có chế tài đảm bảo; sớm ban hành văn bản hướng dẫn lập dự toán, quyết toán kinh phí hoạt động giám sát, phản biện để tạo điều kiện thuận lợi để Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò là một chủ thể giám sát độc lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục