Tối 1/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2016) nhằm ôn lại truyền thống và phát huy vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hơn một thế kỷ qua, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày đoàn kết quốc tế, ngày biểu dương lực lượng, ngày truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn dành sự quan tâm sâu sắc, kịp thời đến quyền lợi thiết thân của người lao động. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định người lao động được nghỉ làm việc và được hưởng lương trong ngày Quốc tế Lao động.
30 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân đã có những bước trưởng thành về số lượng và chất lượng, đang có mặt ở các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam với hơn 9 triệu đoàn viên đã chủ động đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp đông đảo công nhân lao động và ngày càng thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.
Gửi lời chúc mừng tới người lao động trong và ngoài nước nhân kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, những năm qua, hàng triệu người lao động đã góp phần xứng đáng vào kết quả tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị cho các sản phẩm trên thị trường. Nhiều tấm gương sáng trong lao động, sản xuất đã góp phần cải tiến khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề lao động.
Tuy nhiên điều kiện làm việc và đời sống của người lao động vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nâng cao năng suất lao động; đảm bảo tiền lương, thu nhập của người lao động trong dài hạn...
Để vượt qua khó khăn, thách thức trên đòi hỏi tiếp tục thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; cải thiện điều kiện làm việc, cơ hội cho người lao động tiếp cận việc làm bền vững; nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động và thu nhập để cuộc sống người lao động tốt hơn, tạo quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị tổ chức Công đoàn Việt Nam cần tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khoá X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước."
Công đoàn tiếp tục chăm lo, làm tốt nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn trong việc tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, tổ chức tốt việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tốt các yếu tố tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Công đoàn các cấp chủ động phối hợp với chính quyền, tổ chức tốt, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, động viên đông đảo công nhân, viên chức, người lao động phát huy quyền làm chủ, đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Tại buổi lễ, 10 sản phẩm tiêu biểu đã được tôn vinh, nhận giải thưởng “Tự hào Trí tuệ Lao động Việt Nam” như sản phẩm Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 của Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí; Lò đốt rác sinh hoạt của tác giả Nguyễn Đình Trọng (Công ty Cổ phần Công nghệ T-Tech Việt Nam); Bộ thí nghiệm quang học đa năng sử dụng trong dạy học Vật lý ở bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và đại học của hai tác giả Nguyễn Việt Huy và Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình).../.