Lũ lụt tại Libya: UNESCO khẩn trương cứu các di sản bị hư hại

UNESCO cho biết các chuyên gia sẽ thực hiện “cuộc khảo sát sơ bộ về thiệt hại do lũ lụt gây ra và các công trình cần được khẩn trương gia cố.”
Lũ lụt gây thiệt hại cho Libya. (Nguồn: AFP)

Ngày 9/10, các chuyên gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đến Libya để đánh giá tình trạng các di tích cổ chịu ảnh hưởng sau trận lũ lụt thảm khốc ở miền Đông nước này trong tháng 9 vừa qua.

Đoàn chuyên gia của UNESCO dự kiến đến thăm Cyrene, thành phố có nhiều di sản thế giới đang có nguy cơ sụp đổ do nước lũ gây ngập úng phần nền móng.

UNESCO cho biết các chuyên gia sẽ thực hiện “cuộc khảo sát sơ bộ về thiệt hại do lũ lụt gây ra và các công trình cần được khẩn trương gia cố.”

Đoàn cũng sẽ đánh giá các địa điểm tập trung nhiều di sản khảo cổ khác ở Libya, đặc biệt là thành phố cổ Ptolemais và hang Haua Fteah - cả hai đều trong danh sách đăng ký di sản thế giới - cũng như thành phố cổ Apollonia.

[UNICEF cảnh báo nguy cơ đối với trẻ em sau thảm họa lũ lụt ở Libya]

Trước đó, ngày 10/9, bão Daniel kèm mưa lớn ở miền Đông Libya đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại thành phố Derna cũng như các thị trấn và khu vực lân cận, gây hư hại nhiều di sản ở khu di tích Cyrene, một trong 5 thành phố trong Thời kỳ Hy Lạp hóa (323-146 TCN) và đã được lấy tên đặt cho một tỉnh miền Đông Libya là Cyrenaica.

UNESCO cử đoàn chuyên gia làm nhiệm vụ theo đề nghị của phía Libya, trong đó tổ chức này cũng sẽ đánh giá các cách đóng góp để giúp tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt.

Trong số những khu vực này có thành phố Derna, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt, nhiều người dân và tài sản ở thành phố này đã bị cuốn trôi ra biển Địa Trung Hải.

Theo thống kê mới nhất do nhà chức trách Đông Libya công bố ngày 5/10, lũ lụt ở Derne khiến 4.200 người thiệt mạng trong khi hàng nghìn người khác vẫn mất tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục