Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 274.000ha lúa Đông Xuân sớm, chiếm 17% diện tích đã gieo sạ, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha so cùng kỳ.
Nhờ triển khai kế hoạch mua lúa gạo tạm trữ, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên 200-300 đồng/kg. Hiện lúa thơm Jasmine 85 thương lái thu mua tại ruộng từ 4.950-5.000 đồng/kg đối với lúa tươi cắt bằng máy. Lúa hạt dài, chất lượng cao giá 4.700-4.800 đồng/kg. Lúa hạt tròn, chất lượng thấp có giá từ 4.200-4.300đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa Đông Xuân năm nay ở mức 3.417 đồng/kg, thấp hơn vụ Đông Xuân năm ngoái 352 đồng/kg nên nông dân có lãi cao hơn.
Nếu trồng giống chất lượng thấp, nông dân thu lãi ít nhất 25,8%, lúa chất lượng cao lãi ít nhất 37,5%, lúa thơm lãi ít nhất 44,8%. Lượng lúa thu hoạch đầu vụ gần 1,8 triệu tấn là nguồn nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu được 430.000 tấn, trị giá 202 triệu USD.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các trà lúa còn lại tại Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tốt. Ước tổng sản lượng cả vụ đạt khoảng 10,5 triệu tấn, tương đương với vụ Đông Xuân năm ngoái.
Đạt được kết quả trên là nhờ các tỉnh hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo đảm chủ động tưới tiêu trong điều kiện hạn mặn xâm nhập; cung ứng thêm lúa giống xác nhận cho bà con sản xuất; vận động nông dân sản xuất theo nhóm liên kết.
Từng cánh đồng sản xuất cùng một loại giống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm thuận lợi. Mỗi địa phương chỉ sử dụng từ 4-5 giống chủ lực. Mỗi giống không chiếm quá 40% diện tích. Nông dân sử dụng các giống kháng rầy cao, phục hồi sau bệnh nhanh.
Các tỉnh có vùng trồng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu đã sử dụng các giống Cục Trồng trọt khuyến cáo gồm IR 64, VND 95-20, OMCS 2000, OM 2517, OM 2718, OM 3536. Nông dân mở rộng áp dụng biện pháp IPM, giúp giảm chi phí, lúa ít sâu bệnh, năng suất tăng.
Ngành nông nghiệp các tỉnh huy động cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để phối hợp với chính quyền cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu rầy đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo khuyến cáo khoa học.
Nhờ các biện pháp tích cực này, diện tích lúa tuy bị nhiễm sâu rầy trên 50.000 ha nhưng đều được kiểm soát tốt, không bùng phát thành dịch./.