Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016. Nhiều chế độ chính sách được hoàn thiện đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động như chế độ thai sản linh hoạt hơn, tỷ lệ đóng hưởng bảo hiểm xã hội công bằng hơn.
Cụ thể, lao động nam sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5-14 ngày khi vợ sinh con và quy định thêm chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ.
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc tọa đàm báo chí giới thiệu về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 26/1 tại Hà Nội.
Nhiều chế độ thai sản mới
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã điều chỉnh thời gian hưởng thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012. Nhiều chế độ thai sản mới tốt hơn cho người lao động sẽ được áp dụng trong năm 2016.
Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con từ 5-14 ngày. Đối với lao động nữ khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (thay vì 6 tháng như quy định cũ).
Luật Bảo hiểm xã hội cũng bổ sung quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội và mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định thêm chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi.
Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, thời gian nghỉ thai sản tối thiểu phải đảm bảo người mẹ mang thai phục hồi sức khỏe, vì vậy Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự định đề xuất cho lao động nữ mang thai hộ được nghỉ thai sản tối đa 4 tháng. Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, tùy thuộc vào tháng tuổi của con, người mẹ sẽ được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con được 6 tháng tuổi như quy định nghỉ thai sản trong trường hợp nhận con nuôi.
Điều chỉnh lương hưu khối nhà nước
Một trong những quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội mới thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua chính là việc thay đổi tỷ lệ đóng hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% sẽ được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần thời gian. Theo lộ trình mới, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội phải đủ 30 năm đối với nữ (trước đó là 25 năm) và 35 năm đối với nam (trước đó là 30 năm) thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Mặt khác, để giảm thiểu tình trạng về hưu trước tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 21014 đã nâng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần và tử tuất một lần cho khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi để phù hợp với mức đóng.
Luật cũng đã đặt ra lộ trình tiến tới điều chỉnh tiền lương, tiền công tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của lao động trong khu vực nhà nước theo CPI như đối với khu vực ngoài nhà nước.
Đặc biệt, theo bà Trần Thị Thúy Nga, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã đặt ra lộ trình cụ thể tiến tới việc tính bình quân tiền lương, tiền công cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động trong khu vực nhà nước giống như khu vực ngoài nhà nước.
Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì sẽ tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian như lao động trong khu vực tư nhân./.
Mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luât Bảo hiểm xã hội sửa đổi đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, hoàn thiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, sự bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội, tổ chức thực hiện minh bạch, đơn giản, thuận tiện hơn.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng 10 văn bản quy định chi tiết và hươngs dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014./.