Nhiều vụ việc doanh nghiệp "bắt tay" nâng giá thuốc, nâng giá cước vận tải biển... cũng như thao túng thị trường được thực hiện từ nước ngoài nhưng tác động đến thị trường Việt Nam có thể sẽ bị cơ quan quản lý cạnh tranh vào cuộc điều tra, xử lý.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Phổ biến luật cạnh tranh số 23/2018/QH14", do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 13/9, tại Hà Nội.
[Điều tra việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Việt Nam]
Vi phạm sẽ điều tra lại
Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng kiểm soát tập trung kinh tế (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), Luật cạnh tranh năm 2018 có một số thay đổi lớn so với các quy định cũ.
Cụ thể, luật khẳng định quyền điều tra, xử lý với bất kỳ hành vi nào cho dù xảy ra ở đâu mà tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường của Việt Nam.
Đưa ra ví dụ từ thực tế, bà Lan cho biết, trước đây khi tập đoàn của Thái Lan Centrel Group mua lại BigC Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho BigC trước đây đã rất quan ngại việc thâu tóm này có thể ảnh hưởng đến hợp đồng của họ đã được thực hiện.
Với vụ việc này, mặc dù thấy được nhiều tiềm ẩn bất lợi cho thị trường và nhà bán lẻ cung cấp cho BigC, nhưng do giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam nên với quy định của luật cũ cơ quan cạnh tranh rất khó để vào cuộc xử lý.
Một vấn đề khác cũng gây nhức nhối thời gian qua liên quan đến việc "bắt tay" nâng cước phí vận tải biển, hay một sự thỏa thuận nào đó để nâng giá thuốc tân dược một cách bất hợp lý cũng là một trong những vấn đề gây nhức nhối.
Theo bà Lan, do luật cạnh tranh 2004 chưa có các quy định để xử lý các vụ việc có dấu hiệu tương tự được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, do vậy các cơ quan chức năng của Cục Cạnh tranh không thể vào cuộc điều tra được.
"Với luật mới, các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của luật cạnh tranh 2018, cụ thể là với thẩm quyền được quy định, cơ quan cạnh tranh của Việt Nam có thể phối hợp điều tra doanh nghiệp ở nước ngoài," bà Trần Phương Lan nói.
Xử nghiêm các hành vi thao túng thị trường
Một điểm mới nữa trong Luật cạnh tranh sửa đổi là doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh danh. Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Luật chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Thông tin thêm, ông Phùng Văn Thành, phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, luật cạnh tranh mới không cho phép thực hiện việc thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
Bên cạnh đó, khi cơ quan cạnh tranh điều tra thấy doanh nghiệp vi phạm một mức nào đó có thể chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Do có nhiều điểm mới nên ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình, tránh những vi phạm không đáng có.
Về phía lãnh đạo, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Luật cạnh tranh 2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 và hiện nay Bộ Công Thương đang bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật.
Theo ông, nhiều nội dung liên quan đến chế tài xử phạt sẽ được Ban soạn thảo kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn,
Ông cũng mong muốn có sự lan tỏa trong vấn đề thực thi pháp luật nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, hướng tới mục đích chung là đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế./.