Khiếu kiện đất đai từ trước đến nay luôn là vấn đề nóng do giá đất bồi thường được quy định quá thấp, nhất là giá đất nông nghiệp. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai lần này được xây dựng theo hướng Chính phủ tiếp tục ban hành khung giá đất nhưng thể hiện chi tiết, cụ thể hơn thông qua việc tăng dày các vùng giá trị thay vì chỉ quy định cho 3 vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) như quy định hiện nay.
Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
- Thưa Bộ trưởng, Dự án Luật Đất đai sửa đổi mà Chính phủ trình Quốc hội lần này có điều chỉnh gì mới so với Luật cũ?
Ông Nguyễn Minh Quang: Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới cơ bản, quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai.
Dự thảo cũng quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế đồng thời khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất.
Ngoài ra, Dự thảo đã bổ sung quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất; tạo quỹ đất “sạch”; quy định cụ thể nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; bổ sung quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án đặc biệt.
Lần này, Chính phủ chỉ hướng dẫn thi hành những điều mà trong luật giao, chứ không phải hướng dẫn tất cả các vấn đề của luật. Dự án luật mới có điều chỉnh nhiều, trong đó nhiều vấn đề sẽ được thể hiện trong Nghị định. Sắp tới, chúng ta sẽ có 5 nghị định đi cùng luật này, hiện Chính phủ đang chuẩn bị ban hành.
- Nhiều người dân đang rất quan tâm tới vấn đề thu hồi đất, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Quang: Luật Đất đai lần này quy định rất rõ những dự án bị thu hồi về mặt kinh tế xã hội, ví dụ như các dự án khu kinh tế, khu công nghiệp, một số dự án ODA... Còn các dự án phát triển kinh tế khác thì mời nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, tham gia đấu giá đất hoặc thỏa thuận với chủ sử dụng đất.
Luật quy định rất cụ thể và có cả các tiêu chí. Nhưng dù dự án loại nào thì cũng phải được làm rất chặt chẽ, trước đây chúng ta “thả” ra tương đối nhiều. Dự luật sửa đổi lần này sẽ cơ bản khắc phục được những tồn tại của luật cũ.
- Hiện có những luồng ý kiến trái chiều nhau về giao khoán đất trong khi hầu hết cử tri muốn nới giao khoán đất. Dự án Luật Đất đai có sửa đổi gì về vấn đề này không?
Ông Nguyễn Minh Quang: Chúng ta phải thấy rằng nếu đất đai giờ chia ra là sẽ bị loạn. Sau năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 30-35%, nên lúc đó vấn đề giao đất nông nghiệp không phải là vấn đề quá nóng nữa.
- Việc sửa đổi quan trọng hàng đầu là giảm khiếu kiện và chống lợi ích nhóm. Mấu chốt của sửa Luật tập trung điểm nào thưa Bộ trưởng?
Ông Nguyễn Minh Quang: Luật sẽ giải quyết vấn đề thu hồi đất cho hợp lý, khắc phục sự tùy tiện và giải quyết việc cấp sổ đỏ, đây là những việc liên quan đến quyền lợi người dân. Đúng là cấp sổ đỏ thì sẽ quản lý được việc chuyển nhượng, mua bán, nhưng việc cấp sổ đỏ hiện đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí.
Vừa rồi có khiếu kiện đất đai nhiều là vì việc mua bán, chuyển nhượng không có xác nhận thông qua sổ đỏ, phát sinh quyền lợi khi thu hồi vì nếu không có sổ đỏ thì bồi thường, hỗ trợ ở mức khác với có sổ đỏ.
- Nóng bỏng nhất của việc sửa Luật cũng là đền bù khi thu hồi. Khung bảng giá và giá thị trường hiện quá xa vời, vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này?
Ông Nguyễn Minh Quang: Cơ bản là giá đền bù phải phù hợp với thị trường, khung giá, bảng giá đất đều có tính đến yếu tố này. Thị trường ở đây được hiểu là trong điều kiện ổn định, bình thường, loại bỏ yếu tố đầu cơ.
Giá hiện nay của chúng ta là do đầu cơ mang lại nên mới cao như thế, đây không phải là giá thực. Trước đây chúng ta nói phải sát giá thị trường nhưng không hề đơn giản chút nào. Thế nào là sát giá thị trường, trong trường hợp nào thì áp dụng giá thị trường? Chỉ lấy giá thị trường để tham khảo thì được chứ nói áp dụng sát giá thì không thể được.
Chúng ta sẽ có tổ chức tư vấn giá độc lập và trên cơ sở mức giá tư vấn này, Ủy ban Nhân dân địa phương căn cứ vào khung giá đó để xây dựng bảng giá.
Chúng tôi hết sức quan tâm đến vấn đề giá, hầu hết người dân cũng đều rất quan tâm vấn đề này và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài trong thời gian vừa qua.
- Thưa Bộ trưởng, quy định về thu hồi đất trong Luật có vênh so với Hiến pháp đang xây dựng không?
Ông Nguyễn Minh Quang: Theo tôi không vênh gì cả. Hiện có ý kiến cho rằng sau khi thông qua Hiến pháp mới thông qua Luật Đất đai, nhưng tôi đề nghị Quốc hội nên thông qua luôn tại kỳ họp này. Vì Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề chung nhất thôi, không đi vào cụ thể, mà những điều cụ thể do Luật quy định. Hai vấn đề thu hồi và sở hữu là hai vấn đề lớn nhất thì đã không còn phải bàn nữa.
- Dự thảo Hiến pháp mới nhất đã đưa ra khỏi luật việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội, nhưng Luật Đất đai sửa đổi lại đưa các dự án này về các nhóm dự án như phục vụ an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng… Liệu đây có phải là một cách lách?
Ông Nguyễn Minh Quang: Không nên hiểu như vậy. Đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Luật, Hiến pháp chỉ là những vấn đề chung, không thể đi vào quá cụ thể.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!