Theo các chuyên gia, trong bối cảnh mới, đòi hỏi dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải có cách nhìn mới. Mới không chỉ là đề xuất cơ chế ưu đãi đặc biệt để “đánh thức” đầu tư vào lĩnh vực kinh tế từng có năm đóng góp đến 25% GDP của cả nước mà quan trọng hơn là vừa bảo đảm được tính đặc thù của ngành dầu khí nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế.
Phải mang tính đặc thù của ngành dầu khí
Theo đại diện PVN, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Dầu khí là phải xác lập quy trình thực hiện riêng biệt cho dầu khí và đó phải là một quy trình đủ rõ, đủ cụ thể để có thể thực hiện ngay, chứ không nhắc lại hoặc viện dẫn quy định chung chung ở luật khác hay thiết kế quá nhiều quy định có tính định tính.
Cụ thể, cần xử lý thật tốt mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và nhiều luật khác có liên quan. Chẳng hạn, khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư-đạo luật gốc về hoạt động đầu tư, đã quy định về nguyên tắc, trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành thì các luật này sẽ phải xác định nội dung cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện theo Luật Đầu tư.
[Nỗ lực duy trì sản lượng khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng]
Từ yêu cầu thực tiễn, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.
Đánh giá của PVN cho thấy một trong những nội dung sửa đổi của Luật lần này đó là hài hòa các quy định, đặc biệt quy định của Luật Dầu khí với các Luật có liên quan. Có hai thay đổi lớn, một là dự thảo luật có mong muốn làm rõ nếu như có các quy định khác nhau thì nên áp dụng quy định nào, nguyên tắc đưa ra là sẽ áp dụng quy định của Luật Dầu khí.
Thêm nữa, dự thảo đã bắt đầu thiết kế những quy định cho dự án dầu khí theo chuỗi, bao gồm rất nhiều hoạt động, nhằm giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện và triển khai hoạt động dầu khí. Đây là nội dung rất quan trọng nhưng về mặt kỹ thuật cũng sẽ có những thách thức và ban soạn thảo cần rà soát, quy định càng chi tiết càng tốt, mang tính khả thi có thể áp dụng được.
Dẫn một số ý kiến chuyên gia, theo đại diện PVN, quy định về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các Luật khác có liên quan.
Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để bảo đảm tính khả thi và rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện; quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí (hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí, Dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ...).
Hơn nữa, việc điều chỉnh, áp dụng các Luật liên quan khác đến hoạt động trung nguồn và hạ nguồn cũng phải quy định rõ ràng trong dự thảo Luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các Luật, dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế triển khai dự án dầu khí.
Đánh thức tiềm năng đầu tư dầu khí
Xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, qua đó, thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói chung là kiến nghị của nhiều chuyên gia.
Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai.
Còn theo thông tin về dự thảo Luật, đại diện Bộ Công Thương cho biết lần sửa đổi này đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (giao Chính phủ quy định chi tiết).
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất, thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Đáng chú ý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ 25%-50% và tài nguyên quý hiếm khác từ 32%-50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt cho nhà thầu đang thực hiện hợp đồng, thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí. Đồng thời, mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữ lại diện tích hợp đồng dầu khí theo hướng linh hoạt hơn, nghĩa vụ tài chính về chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp, gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí theo hướng rõ ràng hơn…
Có thể thấy, những sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian.
Theo các chuyên gia, nếu có một môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư thì đó cũng là một cơ chế thu hút đầu tư. Các biện pháp ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động dầu khí, khi thiết kế Luật lần này có rất nhiều thay đổi.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay có rất nhiều chính sách, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động về thu hút đầu tư. Ví dụ như hiện đang thảo luận về thuế tối thiểu toàn cầu, ban soạn thảo đã nghiên cứu, đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, tính đến cạnh tranh với khu vực, thế giới như đã giảm thuế dành cho các hoạt động dầu khí để tương ứng với mức trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh…
Cần bổ sung quy định thúc đẩy đầu tư
Có ý kiến cho rằng, để thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, cần nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo Luật các hình thức, cơ chế ưu đãi khác (ngoài ưu đãi thuế và mức thu hồi chi phí), mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian.
Theo đó, xem xét sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí theo nguyên tắc mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất của lĩnh vực dầu khí cũng bằng với mức thuế suất ưu đãi của các dự án thông thường khác (20%).
Với mục đích thúc đẩy sớm đưa vào phát triển khai thác các mỏ nhỏ cận biên, cần bổ sung tại Dự thảo Luật quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự thủ tục để xác định và thực hiện ưu đãi, đặc biệt ưu đãi đầu tư mỏ nhỏ cận biên (bao gồm mỏ nhỏ cận biên ở lô mở và mỏ nhỏ cận biên ở lô hợp đồng hiện hữu).
Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư trong hoạt động dầu khí, phù hợp với thông lệ quốc tế về bảo đảm đầu tư, Dự thảo Luật cần xem xét bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí hiện đang triển khai theo hướng: Trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí kể từ thời điểm Luật Dầu khí có hiệu lực đến thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí; Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà thầu dầu khí được hưởng trước đó thì nhà thầu dầu khí được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại hợp đồng dầu khí.
Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, những nhân tố mới, xu hướng mới cần được thể hiện đầy đủ trong dự thảo Luật Dầu khí như thay đổi cục diện bản đồ năng lượng khu vực; vấn đề về biến đổi khí hậu; vấn đề cạnh tranh giá… Bởi những xu hướng mới này đặt ra những thách thức như sự chủ động trong ứng phó, trong ưu tiên, trình tự khuyến khích đầu tư, chi ngân sách đầu tư, huy động các loại hình vốn đầu tư, kể cả Nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài, liên quan đến quyền quyết định, quyền tự chủ đối với PVN.
Hơn nữa, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí cũng là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật (sửa đổi). Theo đó, dự thảo đã quy định về việc hợp đồng dầu khí được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhà thầu dầu khí được lựa chọn, thông qua thủ tục lựa chọn nhà thầu dầu khí là cơ sở để tiến hành hoạt động dầu khí.
Đồng thời, quy định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng dầu khí đối với các lô dầu khí mở được thực hiện, thông qua một trong các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu dầu khí chính là lựa chọn nhà đầu tư cho dự án và dự án dầu khí lại không giống dự án đầu tư thông thường nên dự thảo cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được nhà thầu (cá nhân, công ty dầu khí nước ngoài, PVN, các doanh nghiệp 100% vốn của PVN, công ty liên doanh…) thực hiện theo quy định Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí, bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch.
Quy định này là cần thiết để bảo đảm tính khả thi trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí vì 1 hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước mà mỗi nhà thầu phải áp dụng quy định pháp luật riêng để thực hiện dự án dầu khí thì sẽ gây ra chồng chéo và không khả thi trong quá trình thực hiện./.