Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này dự kiến sẽ thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, trong khi dự luật này không có bất kỳ câu chữ nào đề cập đến các doanh nghiệp Hong Kong, Macau, Đài Loan kinh doanh ở Trung Quốc Đại lục.
Điều này khiến các doanh nghiệp trên lo ngại sẽ không được hưởng ưu đãi đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.
Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho biết Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Khu hành chính đặc biệt Macau và khu vực Đài Loan đều là một phần của Trung Quốc, đồng thời đều là các khu vực có chính sách thuế quan riêng biệt.
Đầu tư từ Hong Kong, Macau và Đài Loan khác với đầu tư nước ngoài và cũng không hoàn toàn giống với đầu tư trong nước, có tính đặc thù nhất định.
Trong thực tiễn, việc đầu tư từ Hong Kong, Macau và Đài Loan luôn được quản lý theo quy định đầu tư nước ngoài. Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sẽ không thay đổi các thỏa thuận áp dụng pháp lý của nhà nước đối với đầu tư của Hong Kong, Macau và Đài Loan.
Các cơ chế liên quan sẽ tiếp tục được sửa đổi hoàn thiện thiện theo nhu cầu của thực tiễn, tiếp tục cung cấp một môi trường kinh doanh và phát triển cởi mở và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư Hong Kong, Macao và Đài Loan.
Trước đó một ngày, ông Trương Nghiệp Toại cho biết Quốc hội Trung Quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với một dự luật sẽ đem lại "thay đổi cơ bản" cho nhà đầu tư nước ngoài trong ngày 15/3, ngày cuối cùng trong kỳ họp thường niên.
Dự luật này sẽ loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh Trung Quốc, một vấn đề trung tâm trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
[Trung Quốc cam kết đối xử công bằng với tất cả các công ty]
Dự luật này cũng cam kết loại bỏ tiến trình thông qua theo từng trường hợp đối với đầu tư nước ngoài. Thay đổi này sẽ đảm bảo rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng đặc quyền này như các công ty Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, ngoài trừ các lĩnh vực trong danh sách cấm.
Dự kiến, luật mới sẽ thay thế 3 đạo luật hiện hành về các liên doanh cân bằng giữa nước ngoài và Trung Quốc, các liên doanh không cân bằng và các công ty 100% vốn nước ngoài.
Ông Trương Nghiệp Toại cho biết đây là thay đổi cơ bản trong hệ thống quản lý đầu tư nước ngoài của Trung Quốc nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch của môi trường đầu tư./.