Luật hàng hải: Cần có quy định về đào tạo nhân lực chiến lược

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), cần phải định hướng phát triển ngành hàng hải để tạo đà phát triển kinh tế đồng thời gắn với bảo vệ an ninh, biển đảo và chủ quyền đất nước.
Luật hàng hải: Cần có quy định về đào tạo nhân lực chiến lược ảnh 1Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng trả lời báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005 và Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 13/2005/L-CTN ngày 27/6/2005 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển của ngành hàng hải.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, bộ luật hàng hải 2005 vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung, chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Hơn nữa, hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải nên cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam cho phù hợp, thống nhất.

Do vậy, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, việc sửa đổi luật hàng hải nhằm tạo ra động lực lớn hơn giúp phát triển kinh tế biển, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã có trao đổi với báo chí về bộ luật này.


- Thưa ông, Luật Hàng hải (sửa đổi) cần phải bổ sung những vấn đề gì nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn?

Đại biểu Trần Ngọc: Biển rất quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp hơn 40% GDP, bao quát từ kinh tế biển, đến dầu khí, cảng biển, thủy sản, du lịch biển và khai thác tài nguyên trên biển nên rất quan trọng.

Đồng thời chủ quyền biển đảo hiện nay cũng còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm do vậy việc ban hành và sửa đổi luật hàng hải trong bối cảnh hiện nay hết sức cần thiết. Theo tôi, về chính sách phải cụ thể và đủ mạnh để vừa phát triển được hàng hải, kinh tế biển, nhưng đồng thời bảo vệ được chủ quyền biển đảo của chúng ta.

Trong các khái niệm cần làm rõ ụ nổi có phải tàu biển không hoặc các giàn di chuyển trên biển có phải tàu biển không? phải quy định khải niệm cho chuẩn để xử lý việc mua bán tàu.

Về chính sách chúng ta cần phải phát triển ngành hàng hải để phát triển kinh tế nhưng phải gắn với bảo vệ an ninh, biển đảo gắn với chủ quyền của chúng ta, do vậy cần phải có chính sách phù hợp vừa đảm bảo phát triển hàng hải nhưng cũng đảm bảo chủ quyền của đất nước, đây là vấn đề hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Do vậy chúng ta phải có chính sách phù hợp về con người, tiếp đến là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng hải thì chúng ta mới có đủ sức mạnh được.

Thứ ba, trong luật cần có quy định về đào tạo nhân lực chiến lược cho hàng hải, lĩnh vực nào cũng vậy, bao giờ cũng cần có nguồn nhân lực, vốn và thị trường. Như vậy, ngành hàng hải cũng phải có chính sách để kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào, có nguồn nhân lực tốt và mở rộng được thị trường với các nước về vận tải biển.

Việc phá dỡ tàu cũ, cải hoán tàu, đóng mới cũng cần phải quy định cụ thể để làm sao phát triển được các đội tàu nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề môi trường, đặc biệt là phá dỡ tàu cũ, phải có chế tài xử lý những doanh nghiệp nào làm ảnh hưởng đến môi trường và tai nạn lao động vì ngành này rất dễ xảy ra mất an toàn lao động.

Thêm vào đó, trong luật vẫn còn quy định 27 điều giao cho Chính phủ và các cơ quan khác hướng dẫn chi tiết, nhưng theo tôi cần rà soát lại, rút bớt những điều đó xuống vì như vậy luật sẽ vào cuộc sống khó khăn, không đúng với nghĩa của luật quy định.

- Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong luật hàng hải sửa đổi lần này là cần phải bổ sung quy định việc bắt giữ tàu biển cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng, vậy theo ông vấn đề này được bàn thảo thế nào?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Việc đưa quy định bắt giữ tàu biển vào luật hàng hải là cần thiết nhưng chúng ta cũng phải quy định các quy trình và các bước để khi bắt giữ tàu biển, đặc biệt là khi các cơ quan bắt giữ không đúng, làm thiệt hại cho các doanh nghiệp thì phải bồi thường và có chế tài xử lý, chứ không chỉ đặt vấn đề bắt giữ, còn nếu bắt giữ không đúng thì phải bồi thường thích đáng.

- Nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như phù hợp với công ước quốc tế về luật biển, bộ luật cần bổ sung những điều kiện pháp lý gì thưa ông?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Việc bắt giữ bảo vệ chủ quyền phải tuân thủ theo pháp luật, nếu các nước xâm phạm chủ quyền của chúng ta thì vẫn phải bắt giữ, nhưng quan trọng là xử lý thế nào sau bắt giữ, nhằm đảm bảo đúng công ước quốc tế về luật biển qua đó cũng giữ được tính nghiêm minh và chủ quyền của đất nước.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.