Luật Lao động: "Đọc 2 đến 3 nghị định mới xử lý được một vấn đề"

Dù đã qua 4 lần sửa đổi nhưng một số quy định của Bộ Luật Lao động vẫn còn chung, phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, thậm chí nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn khi thực hiện
Nhiều chính sách pháp luật lao đôgnj còn chồng chéo, mâu thuẫn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Mặc dù đã có tới khoảng 60 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động năm 2012 nhưng pháp luật lao động hiện nay vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề phát sinh trong thực tế.

Đặc biệt, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi pháp luật lao động phải thay đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Những nội dung đáng chú ý này đã được đưa ra tại Hội nghị về tình hình thực thi Bộ Luật lao động 2012, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng pháp luật lao động” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 2/6 tại Hà Nội.

Xem 2, 3 nghị định để giải quyết một vấn đề

Mặc dù đánh giá các văn bản về pháp luật lao động đã phủ kín gần kết các lĩnh vực lao động nhưng ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng chất lượng của các nghị định, thông tư vần phải xem xét lại vì vẫn còn hiện tượng chồng chéo, thiếu sót… và quá trình thực thi luật phát sinh nhiều vấn đề mà các quy định pháp luật không lường trước hết được.

Ông Trương Văn Cẩm ví dụ về việc quy định về hợp đồng lao động trước đó đã có Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định thực hiện nhưng đến năm 2015 tiếp tục có Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định bao quát lại những vấn đề nghị định trước chưa làm được.

“Lẽ ra chỉ cần đưa vào một nghị định quy định đầy đủ. Nếu như ngay từ đầu ban hành các văn bản pháp luật thận trọng hơn, bao quát đầy đủ hơn thì doanh nghiệp sẽ đỡ khổ. Một vấn đề mà phải đọc tới 2, 3 nghị định mới xử lý được, chưa kể đến thông tư hướng dẫn,” ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

Thừa nhận pháp luật lao động chưa bao quát hết các quan hệ phát sinh từ thực tiễn. ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng một số quy định của Bộ Luật Lao động vẫn còn dừng ở những quy định có tính chất chung, phải nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn sinh động. Một số văn bản được hướng dẫn chậm nên thiếu đồng bộ, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, một số luật mới ban hành gần đây cũng ảnh hưởng tới kết cấu và nội dung của Bộ Luật lao động như Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Tố tụng dân sự….  Luật mới bổ sung hàng loạt quy định về lao động cưỡng bức, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chế tài hình sự với người sa thải người lao động trái pháp luật dẫn tới đình công... những vấn đề mà Bộ Luật lao động chưa có hướng dẫn.

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi pháp luật lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chất lượng góp ý sửa luật thấp

Trước thực trạng Bộ Luật Lao động chưa giải quyết hết được những vấn đề đang phát sinh trong thực tiễn và để thống nhất với các luật khác, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Lao động 2012 vào năm 2017.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào đóng góp cho quá trình xây dựng luật. Hiện nay, lúc cần lấy ý kiến dự thảo thì rất ít đơn vị góp ý, nhưng khi trình Quốc hội ban hành luật xong doanh nghiệp mới có ý kiến thì lúc đó rất khó sửa luật. Thậm chí, chất lượng góp ý dự thảo văn bản pháp luật rất thấp, chủ yếu là cơ bản nhất trí, rất ít những ý kiến góp ý về nội dung.

“Tháng 9 năm nay sẽ bắt đầu dự thảo các điều khoản sửa đổi Luật Lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị doanh nghiệp tổng hợp đề xuất những vướng do thủ tục chính sách quá trình thực thi để sửa đổi pháp luật lao động tốt hơn. Doanh nghiệp bỏ công sức ra góp ý cho dự thảo trước khi ban hành thì thực hiện sẽ không bị vướng mắc,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân lưu ý.

Sửa đổi Bộ Luật lao động 2012 sẽ là cơ hội để tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp về những vấn đề như: Thời gian làm thêm giờ, đối thoại tại nơi làm việc, thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động….

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra một số yêu cầu về pháp luật lao động mà thực tiễn các quy định hiện nay chưa phù hợp. Bộ Luật Lao động chưa hoàn toàn đáp ứng được một số yêu cầu của tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Đây cũng là nguyên nhân cần phải sửa Bộ Luật Lao động trong thời gian tới.

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động 2012 vào tháng 5/2017 và thông qua vào tháng 10/2017./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục