Ngày 9/1, các lực lượng an ninh Sudan đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình hướng về Dinh Tổng thống.
Trước đó, hàng nghìn người đã đổ xuống đường ở thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman để tiếp tục phản đối vụ đảo chính xảy ra hồi cuối tháng 10/2021.
Cuộc đảo chính, do Tổng Tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan dẫn đầu vào ngày 25/10, đã làm thay đổi tiến trình chuyển tiếp chia sẻ quyền lực giữa hai bên quân sự và dân sự vốn được thiết lập sau cuộc lật đổ nhà độc tài kỳ cựu Omar al-Bashir hồi năm 2019.
Xung đột giữa người biểu tình quá khích và các lực lượng an ninh tại nước này kể từ sau cuộc đảo chính đã khiến ít nhất 60 người thiệt mạng.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok đã tuyên bố từ chức chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi ông được phục chức theo thỏa thuận chính trị với quân đội nước này.
[Đụng độ gây thương vong trong các cuộc biểu tình ở Sudan]
Việc ông Hamdok từ chức làm gia tăng sự không chắc chắn về tương lai chính trị của Sudan và quá trình chuyển tiếp hướng tới cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm 2023.
Ngày 8/1, Liên hợp quốc cho biết sẽ mời các lãnh đạo quân sự, đảng phái chính trị và các bên liên quan ở Sudan tham gia vào một “tiến trình chính trị” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng do vụ đảo chính.
Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ họp vào ngày 12/1 tới để bàn về những diễn biến gần đây ở Sudan./.