Lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng nhanh

Từ tháng 6/2014 đến tháng nay, Việt Nam đã cử 516 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, CH Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ.
Lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng nhanh ảnh 1Các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.”

Việc Việt Nam liên tục triển khai nối tiếp và mở rộng lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã đem lại những kết quả rất đáng khích lệ, để lại dấu ấn tích cực đối với lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy các phái bộ và lãnh đạo nước sở tại.

Từ tháng 6/2014 đến tháng nay, Quân đội đã cử 516 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.

Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đóng góp vào sự thành công trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 của Việt Nam với tỷ lệ phiếu bầu rất cao (192/193 phiếu tán thành).

Đồng thời, lực lượng quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh trong môi trường làm việc khắc nghiệt tại các phái bộ.

[Chủ động huấn luyện tiền triển khai tham gia gìn giữ hòa bình LHQ]

Đáng chú ý, năm 2020, bốn sỹ quan của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra và được Liên hợp quốc tuyển dụng (3 sỹ quan làm việc tại Cục Các hoạt động hòa bình, Trụ sở Liên hợp quốc và 1 sỹ quan làm việc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, điều phối các hoạt động quân sự với Chính phủ Cộng hòa Trung Phi).

Đối với hình thức cá nhân, năm 2014, từ 2 sỹ quan quân đội đầu tiên đi làm sỹ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã cử khoảng 80 lượt sỹ quan hoạt động độc lập trên các cương vị Sỹ quan Tham mưu tác chiến, Sỹ quan Tham mưu huấn luyện, Sỹ quan Trang bị, Sỹ quan Phân tích thông tin tình báo, Sỹ quan Quân lương, Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.

Nhiều lượt sỹ quan theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập đã kết thúc nhiệm kỳ công tác và được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 30%, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước là 2%).

Lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng nhanh ảnh 2Kiểm tra thông số an toàn các loại xe, máy chuyên dụng trước ngày lên đường đi phái bộ LHQ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Bên cạnh đó, các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam được nhận nhiều tặng thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và của Liên hợp quốc.

Đối với hình thức đơn vị, từ tháng 10/2018 đến nay, Việt Nam đã triển khai 4 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan. Các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Cố vấn Quân sự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp này.

Tháng 5/2022, Việt Nam cử Đội Công binh đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với 184 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ UNISFA tại khu vực Abyei.

Sau khi triển khai, Đội Công binh Việt Nam đã nhanh chóng ổn định và bắt tay ngay vào công việc, được Chỉ huy Phái bộ đánh giá là góp phần làm thay đổi diện mạo của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Abyei.

Đặc biệt, Việt Nam luôn chú trọng đảm bảo và nâng cao tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã cử 74 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có 8 sỹ quan nữ tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập (chiếm 20% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%); 45 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 (chiếm 16-21% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là 12%).

Ngoài ra, Đội Công binh Việt Nam có 21 nữ quân nhân (chiếm gần 12%), trong khi các Đội Công binh của các nước khác không có nữ quân nhân tham gia. Điều này được Liên hợp quốc đánh giá cao và ghi nhận.

Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng lãnh đạo Liên hợp quốc đồng chủ trì Hội nghị quốc tế về Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Sự kiện đã được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 26/11/2022, nhân chuyến thăm của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix tới Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục