Ông Phạm Minh Huân cho hay, theo quy định mới nhất của Nhà nước, mức trần tối đa để trả lương cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, nếu doanh nghiệp nào làm ăn có hiệu quả thì được phép chi thêm 50% lương của mức trần tối đa (thêm 18 triệu đồng/tháng) vì thế không thể tính theo đúng quy định mà có được mức lương hơn 200 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phạm Minh Huân, lương của các lãnh đạo, các chức danh chủ chốt trong các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2012 trở về trước đã được quy định tại Nghị định 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định về quản lý lao động, tiền lương, thu nhập trong các công ty Nhà nước và có khống chế mức trần tối đa.
Ông Phạm Minh Huân cho biết, tính theo quy định thì mức lương tối đa của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể rơi vào khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, con số này có thể còn phụ thuộc vào việc quy định đơn giá tiền lương vào các sản phẩm công ích như thế nào, áp dụng mức lương tối thiếu vùng bao nhiêu để ra mức lương cụ thể.
"Mặc dù việc tính lương cụ thể còn phải dựa vào nhiều yếu tố nhưng tôi khẳng định, nếu áp đúng theo các quy định thì không thể nào có được mức lương gấp 7 lần mức lương trần tối đa được,” ông Phạm Minh Huân nói.
Từ năm 2013 trở đi, chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với lãnh đạo trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được quy định mới tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/5/2013. Theo đó, tại điều 4 của nghị định này: Tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa.
Tuy nhiên, Nghị định này cũng quy định mức tiền lương trần tối đa tại các tập đoàn kinh tế nhà nước của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 36 triệu đồng/tháng; Tổng giám đốc hoặc giám đốc 35 triệu đồng/tháng; Phó tổng giám đốc/ Phó giám đốc 32 triệu đồng/tháng và Kế toán trưởng là 29 triệu đồng/tháng.
"Hiện nay trong quy định đã ghi rất rõ việc đại diện chủ sở hữu phải kiểm soát việc chi tiền lương phải gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận để bảo toàn vốn nhà nước," ông Phạm Minh Huân nói.
Để làm rõ những sai phạm trong việc chi trả lương tại các doanh nghiệp công ích Thành phố Hồ Chí Minh, sáng ngày 28/8 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cụ thể vụ việc.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân cũng cho biết Bộ cũng đã có công văn gửi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành kiểm tra và thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp công ích trên địa bàn thành phố. Sau kết quả thanh tra, nếu phát hiện ra có vấn đề thì cần phải xử lý kịp thời.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã cử đoàn công tác vào Thành phố Hồ Chí Minhh để kiểm tra, phân tích rõ xem việc thực hiện chính sách ở các doanh nghiệp đó, xem có phải chính sách hiện hành có những điểm chưa phù hợp hay nguyên nhân thuộc về chủ quan của doanh nghiệp.
"Cụ thể thế nào phải sau khi có văn bản báo cáo sẽ rõ. Tuy nhiên, tôi chắc chắn cách tính ‘có vấn đề’ mới ra được mức lương như vậy, hoặc họ tính không căn cứ theo đúng quy định," ông Phạm Minh Huân cho hay.
Ngày 14/5/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 50/2013/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương được thực hiện theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước.
"Các quy định về chi tiền lương đều đã được quy định rất cụ thể từ lâu nhưng các doanh nghiệp có thực hiện đúng theo quy định hay không mới là vấn đề," ông Phạm Minh Huân cho biết./.
Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, mức lương mà các viên chức quản lý nhiều doanh nghiệp công ích trên địa bàn cao bất thường, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và không phù hợp với tính chất của hoạt động công ích. Cụ thể, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị, trong năm 2012, lương của giám đốc 2,6 tỷ đồng, chủ tịch hội đồng thành viên là 1,6 tỷ đồng, kế toán trưởng là 1,67 tỷ đồng, phó giám đốc là 969 triệu đồng… Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, lương giám đốc 2,2 tỷ đồng/năm, lương bình quân người lao động mùa vụ chỉ có 93,6 triệu đồng/năm. Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn, lương giám đốc 856 triệu đồng/năm, lương bình quân người lao động mùa vụ chỉ có 54 triệu đồng/năm... Tổng số tiền phải thu hồi do chi sai cho lãnh đạo các công ty hơn 6 tỷ đồng./. |