Lượng khách du lịch quốc tế tới Indonesia giảm mạnh do dịch COVID-19

Ngành du lịch Indonesia đã thiệt hại ít nhất 1,5 tỷ USD trong quý I do tác động của đại dịch COVID-19, trong đó, thiệt hại từ thị trường Trung Quốc ước lên tới 1,1 tỷ USD.
Khách du lịch Trung Quốc tham quan đền Bajra Sandi tại Bali, Indonesia. (Nguồn: ANN)
Khách du lịch Trung Quốc tham quan đền Bajra Sandi tại Bali, Indonesia. (Nguồn: ANN)

Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) ngày 4/5 cho biết lượng khách du lịch quốc tế tới nước này trong tháng Ba đã giảm 64,11% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 45,5% so với tháng trước đó.

Tính chung trong quý I/2020, lượng du khách quốc tế tới Indonesia chỉ đạt 2,61 triệu lượt, giảm 30,62% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng Ba, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn chỉ đạt 32,24%, giảm 20,64% so với cùng kỳ năm ngoái và 16,98% so với tháng trước đó. Thời gian lưu trú trung bình là 1,83 ngày, tăng nhẹ 0,02%.

[Thái Lan chuẩn bị các kế hoạch kích cầu du lịch nội địa]

Theo Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI), ngành du lịch của nước này đã thiệt hại ít nhất 1,5 tỷ USD trong quý 1 do tác động của đại dịch COVID-19. Trong đó, thiệt hại từ thị trường Trung Quốc ước lên tới 1,1 tỷ USD và các thị trường khác là 400 triệu USD.

Chủ tịch PHRI, ông Hariyadi B. Sukamdani cho hay gói kích thích du lịch trị giá 10,3 nghìn tỷ rupiah (hơn 710 triệu USD) được chính phủ tung ra hồi tháng Hai vẫn chưa giúp được nhiều cho ngành du lịch.

Trước đó, ngày 16/4, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, Wishnutama Kusubandio, đã hạ mục tiêu đón lượng khách du lịch quốc tế tới nước này trong năm 2020 từ 16 triệu xuống còn 5 triệu lượt, do tác động của dịch COVID-19.

Nguồn thu ngoại tệ từ du khách nước ngoài cũng được điều chỉnh giảm hơn một nửa so với mức 20 tỷ USD đạt được trong năm ngoái.

Trong phiên họp nội các cùng ngày, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh ngành du lịch Indonesia sẽ “bùng nổ” vào năm 2021 với dự báo dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào cuối năm nay, đồng thời yêu cầu các quan chức chuẩn bị để đón đầu sự phát triển của ngành du lịch sau đại dịch.

Tổng thống Widodo cũng yêu cầu các bộ trưởng chuẩn bị gói kích thích kinh tế dành cho các doanh nghiệp du lịch và kinh tế sáng tạo để giúp họ trụ vững và tránh sa thải lao động hàng loạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục