Lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đang trên đà giảm kể từ năm ngoái, nhưng đáng lưu ý là lượng khí thải của nước này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) đã đưa ra kết luận trên sau khi đánh giá dữ liệu khí thải và khảo sát 26 chuyên gia năng lượng Trung Quốc.
Trong báo cáo công bố ngày 21/11, CREA nêu rõ mỗi năm Trung Quốc thải ra gần 30% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và thành công của nước này trong việc đáp ứng được các mục tiêu về khí thải có thể là một yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc đạt được những "thành tích đáng kể" trong các lĩnh vực như năng lượng sạch và ôtô điện, song các chuyên gia của CREA lưu ý rằng nước này vẫn tập trung vào điện than, sản xuất sắt và thép. Tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc vẫn ở mức cao, có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu về khí hậu.
[COP27: Đàm phán về khí hậu căng thẳng trong tuần làm việc cuối]
Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã kết thúc ngày 20/11, với cam kết thành lập một quỹ giúp những nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước không đồng thuận về đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2025.
Trung Quốc được kỳ vọng đạt mục tiêu về đạt đỉnh khí thải CO2 vào năm 2030. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại lượng phát thải của nước này có thể vẫn tăng đáng kể trong thập kỷ này do Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng có phát thải nhiều nhằm giải quyết lo ngại về an ninh năng lượng và ổn định kinh tế. Theo CREA, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc càng cao thì nước này sẽ càng khó đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Báo cáo thường niên của Dự án Carbon toàn cầu (GCP) công bố tháng này cho biết, ước tính khí thải CO2 của Trung Quốc sẽ giảm 0,9% trong năm 2022. Tuy nhiên, mức giảm này đạt được là do chính sách "Không COVID-19" của nước này, theo đó tạm ngừng mọi hoạt động kinh tế, phong tỏa nhiều thành phố./.