Lượng kiều hối gửi về trong nước tăng khoảng 10% mỗi năm

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, năm 2014, kiều hối của Việt Nam tiếp tục đà tăng, đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước.
Lượng kiều hối gửi về trong nước tăng khoảng 10% mỗi năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theguardian)

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành vào năm 2004. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả.

Trong đó có việc thu hút chất xám, tri thức của kiều bào được xem như nguồn lực góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời trong những năm gần đây lượng kiều hối gửi về trong nước với tỷ lệ tăng khoảng 10% mỗi năm góp phần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong nước.

Nhân dịp đầu năm mới 2015, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam về công tác này.

- Thứ trưởng có thể đánh giá công tác kiều bào năm 2014, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành công quan trọng. Chúng ta đã khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Điều này đã tạo cho bà con một niềm tin, một điểm tựa gắn bó, chắc chắn đó là quê hương, đất mẹ. Chúng ta đã khẳng định được vai trò và vị trí của kiều bào trong việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các chính sách đối với kiều bào luôn được đặt ở vị trí ưu tiên, mà đỉnh cao của các chính sách này là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.

Với sự ra đời của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị vào năm 2004, đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành, của người dân trong nước. Hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở 109 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, vị thế uy tín của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng được khẳng định. Điều này góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2014, cùng với việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36, có thể nhận thấy công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã thu được những kết quả cụ thể nổi bật. Chủ trương, chính sách trong Nghị quyết đã được thể chế hòa thành các quy định cụ thể của pháp luật, qua việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của người Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác phát triển hội, đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm, đẩy mạnh, nhằm tạo sức mạnh đoàn kết, hỗ trợ cộng đồng phát triển ổn định, tuân thủ pháp luật, hòa nhập và đóng góp cho sự phát triển của xã hội sở tại.

Công tác vận động kiều bào hướng về đất nước được triển khai cụ thể với nhiều hình thức, nội dung phong phú qua việc: tổ chức lấy ý kiến kiều bào về những vấn đề quan trọng của đất nước; tổ chức vận động kiều bào tham gia tích cực cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, vì toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hỗ trợ cộng đồng duy trì và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt.

Đồng thời, còn tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chương trình giao lưu cho các đối tượng khác nhau (trí thức, doanh nhân, sinh viên, cán bộ hội đoàn…) nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước, tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước; huy động đóng góp của kiều bào cho các hoạt động nhân đạo và hỗ trợ phát triển; hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, khó khăn của kiều bào trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.

- Thưa Thứ trưởng, việc thu hút chất xám, tri thức của kiều bào được xem như nguồn lực góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Thứ trưởng có thể đánh giá công tác này hiện nay như thế nào, những tồn tại cần sớm được tháo gỡ để phát huy tiềm năng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam: Tiềm lực chất xám được coi là thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với hơn 400.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (chiếm khoảng 10-15% cộng đồng), bao gồm người có trình độ từ đại học trở lên, các chuyên gia và kỹ thuật viên có tay nghề cao.

Trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trực tiếp động viên trí thức kiều bào ở nước ngoài về nước đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhân sỹ, trí thức lớn như giáo sư Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ đã về nước tham gia kháng chiến và xây dựng nền tảng cho nền khoa học nước nhà.

Trong kháng chiến chống Mỹ là phong trào sinh viên yêu nước tại Pháp, Mỹ, Australia, Canada… phản đối chiến tranh, ủng hộ thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất và trong thời kỳ đất nước bị bao vây cấm vận nhiều Việt kiều từ Pháp, Canada… đã về hợp tác và giúp đỡ trong nước cả về kiến thức và vật chất.

Công tác vận động trí thức kiều bào là một nhiệm vụ công tác trọng tâm được xác định tại Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Với những chính sách khuyến khích trí thức kiều bào về nước làm việc, hàng năm có khoảng hơn 300 lượt trí thức kiều bào chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản... thuộc lĩnh vực kinh tế, công nghệ hạt nhân, toán học, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, qui hoạch kiến trúc, nông nghiệp, sinh học, vật liệu mới... về nước làm việc; trong đó nhiều trí thức có tên tuổi đã về định cư hoặc làm việc dài hạn ở trong nước tại các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kinh doanh, các công ty xuyên quốc gia…

Trong 10 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các bộ ngành tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề dành riêng cho kiều bào với nhiều chủ đề thiết thực đối với công cuộc phát triển đất nước. Từ các vấn đề kinh tế-xã hội, về phát triển công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao, về phát triển giáo dục đào tạo cũng như đóng góp ý kiến cho các văn kiện quan trọng của trong nước…

Việt Nam cần đổi mới tư duy về cách tiếp cận và thu hút chất xám của kiều bào. Trước đây, hướng về đất nước được hiểu là tri thức phải về trong nước, tham gia giảng dạy, vào các viện nghiên cứu ở trong nước.

Bên cạnh việc về nước trực tiếp tham gia các hoạt động, kiều bào vẫn ở nước ngoài làm việc trong môi trường hiện đại, phù hợp với khả năng của mình, đồng thời có thể tham gia tư vấn, phản biện với trong nước. Hình thức để tham gia trao đổi ý kiến có thể bằng thư, bằng văn bản hỏi đáp, sử dụng công nghệ cao để trao đổi qua hệ thống mạng, giúp giảm bớt thời gian giao dịch, nhanh hơn trực tiếp.

Thời gian tới, Ủy ban sẽ có các hoạt động thúc đẩy công tác thu hút trí thức nhằm liên kết các mạng chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước như nhóm hội thảo Hè, đối thoại giáo dục, nhóm sáng kiến Việt Nam (Mỹ), hội chuyên gia, các nhà khoa học tại Pháp, nhóm Colombo tại Australia… ; phối hợp với các bộ, ban ngành mời và hỗ trợ các chuyên gia trí thức về nước tham gia tư vấn, tham gia các dự án phát triển khoa học công nghệ và giảng dạy đại học….

Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Khoa học-Công nghệ triển khai dự án First (Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và V-kist (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc) nhằm thu hút kiều bào về tham gia phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

- Lượng kiều hối năm 2014 đạt khoảng 12-13 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó. Thứ trưởng có thể nhận xét về công tác khuyến khích, thu hút kiều hối hiện nay?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam: Từ năm 2003-2013, tổng số kiều hối gửi về trong nước theo kênh chính thức là hơn 70 tỷ USD. Nguồn kiều hối gửi về nước tăng dần qua các năm, nhìn chung năm sau cao hơn năm trước.

Trong những năm gần đây tỷ lệ tăng 10%/năm. Năm 2013 đạt khoảng 11 tỷ USD (cả kênh chính thức hoặc trực tiếp mang về). Việt Nam hiện là một trong số 10 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất. Năm 2014, kiều hối của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng và đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước đó.

Về quy mô, theo đánh giá mới đây của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 2007-2013, kiều hối gửi về nước là nguồn vốn lớn thứ hai (chỉ đứng sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và lớn hơn nguồn vốn viện trợ phát triển ODA đã giải ngân).

Kiều hối được coi là một nguồn vốn để phát triển kinh tế đất nước, đóng vai trò quan trọng trong bình ổn kinh tế vĩ mô, cân bằng thâm hụt cán cân thanh toán, tạo dự trữ quốc gia, tăng đầu tư, ổn định nợ nước ngoài.... Kiều hối góp phần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tư nhân, tạo công ăn việc làm cho xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Kết quả đạt được như trên xuất phát từ các nguyên nhân như quá trình đổi mới mở cửa hội nhập của Việt Nam đã đạt được những thành tựu. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm, năm sau cao hơn tốc độ tăng của năm trước. Với GDP bình quân đầu người ước đạt gần 2.000 USD/năm, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Cơ hội đầu tư vào Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới phát triển như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giáo dục, y tế…

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào gắn lợi ích của mình với lợi ích của đất nước, tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội như đầu tư kinh doanh, làm việc, hợp tác nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch, thăm thân...

Sự thông thoáng về chính sách của Nhà nước trong việc thu hút nguồn kiều hối (bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về hoặc bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, thông thoáng trong việc về thăm quê hương, mua nhà ở, đầu tư trong nước...) đã góp phần thu hút mạnh mẽ nguồn kiều hối.

Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người Việt ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình… Đặc biệt lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên đến 500.000 người, có thu nhập ổn định.

Dịch vụ ngân hàng thuận tiện hơn, ngoài các ngân hàng thương mại còn có hàng chục công ty kiều hối cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mạng lưới rộng, công nghệ kiều hối hiện đại cho phép xử lý giao dịch kiều hối tập trung với mức độ tự động cao.

Một số ngân hàng đã mở chi nhánh tại một số nước như ở Đức, Séc, Lào, Campuchia, Myanmar. Trong năm qua tỷ giá và lãi suất thấp hơn trước nhưng tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ duy trì mức ổn định cùng với các kênh đầu tư mới được mở ra tạo thêm sức hút kiều hối.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.