Lương 'sếp' doanh nghiệp Nhà nước giảm rất nhiều khi chuyển công tác

Từ thực tế lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển công tác về các Bộ, ngành, địa phương bị giảm lương rất nhiều, Bộ Nội vụ đang đề xuất điều chỉnh lại việc xếp ngạch lương với những trường hợp này.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Từ thực tế lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển công tác về các Bộ, ngành, địa phương đã bị giảm lương rất nhiều, Bộ Nội vụ đang đề xuất điều chỉnh lại việc xếp ngạch lương đối với những trường hợp này.

Đây là nội dung Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BN hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu, công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước do Bộ Nội vụ đang xây dựng, lấy ý kiến.

Bị giảm lương khi chuyển công tác

Trong quá trình thực hiện chuyển xếp lương đối với người làm việc trong các công ty Nhà nước vào làm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đã phát sinh một số bất hợp lý, đòi hỏi sự cần thiết sửa đổi Thông tư 79/2005/TT-BNV.

Theo quy định của Thông tư 79/2005/TT-BNV thì các trường hợp có thời gian dài giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, nếu căn cứ ngạch, bậc lương chuyên môn trước khi được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp thì hầu hết chỉ xếp lương ở ngạch chuyên viên.

Trong thực tế, một số trường hợp đã có nhiều năm liền giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty, tập đoàn kinh tế, công ty được các Bộ, ngành, địa phương điều động bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp như: Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch tỉnh, Vụ trưởng… Theo Đề án vị trí việc làm đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt thì các chức vụ này có yêu cầu ngạch công chức tối thiểu phải là chuyên viên chính. Do vậy, nếu xếp lương ở ngạch chuyên viên sẽ không bảo đảm tiêu chuẩn theo vị trí việc làm của chức danh lãnh đạo, quản lý được đảm nhiệm trong cơ quan nhà nước, không đảm bảo tương quan về chính sách tiền lương trong hệ thống chính trị.

[Xác định những giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam]

Đặc biệt, về tiền lương, việc xếp lương khi chuyển công tác có sự chênh lệch lớn. Các trường hợp đã có thời gian dài công tác và giữ chức vụ quản lý tại doanh nghiệp, khi chuyển xếp lương vào ngạch chuyên viên cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì mức lương vẫn thấp hơn rất nhiều so với hệ số lương của chức vụ quản lý doanh nghiệp đã được hưởng.

Ngoài ra, việc vận dụng chuyển xếp lương khi chuyển công tác không thống nhất. Có trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi chuyển vào công tác tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp được xếp lương chuyên viên chính, có trường hợp xếp lương chuyên viên.

Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 79/2005/TT-BNV nhằm bảo đảm nhất quán trong quá trình thực hiện chuyển xếp lương và thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Nâng ngạch xếp lương

Dự thảo hướng dẫn chuyển xếp ngạch lương đối với chức danh quản lý tập đoàn, tổng công ty, công ty gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát, Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên chuyên trách, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc; Kế toán trưởng của Tập đoàn, Tổng công ty, công ty.

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc chuyển xếp ngạch lương tùy theo chức danh, vị trí việc làm và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Ngạch lương cao nhất của quản lý tập đoàn, tổng công ty, công ty sẽ khi chuyển công tác sẽ là chuyên viên cao cấp thay vì chuyên viên như quy định hiện hành.

Đối với những người đang giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Tập đoàn hoặc của Tổng công ty được xếp lương ở ngạch chuyên viên cao cấp nếu có thời gian giữ chức danh quản lý tối thiểu 10 năm, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 16 năm trở lên.

Những người đang giữ chức danh quản lý tập đoàn, tổng công ty, công ty được xếp lương ngạch chuyên viên chính nếu có thời gian giữ chức danh quản lý tối thiểu 5 năm, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 10 năm trở lên.

Các trường hợp còn lại, đối với những cán bộ quản lý có đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của ngạch chuyên viên thì được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 79/2005/TT-BNV sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 1/10./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục