Lý do các nước châu Á siết chặt quản lý tiền kỹ thuật số

Chính phủ các nước châu Á đang tiến tới việc đặt ra quy định quản lý các đồng tiền kỹ thuật số, và một số nước đang hướng tới việc tạo lập đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ.
Lý do các nước châu Á siết chặt quản lý tiền kỹ thuật số ảnh 1

Tờ The Straits Times (Singapore) đã đăng bài viết của tác giả Aw Cheng Wei và Nirmala Ganapathy về xu hướng các chính phủ châu Á đang tiến hành áp dụng các bước tiến tới việc đặt ra quy định quản lý các đồng tiền kỹ thuật số, và một số nước đang hướng tới việc tạo lập đồng tiền kỹ thuật số của họ.

Chủ đề các đồng tiền kỹ thuật số đã trở thành tiêu điểm chú ý tại Singapore khi một doanh nhân tại nước này tiết lộ rằng mình là người mua một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số trị giá 69 triệu USD trong cuộc đấu giá được tổ chức vào ngày 11/3 vừa qua.

Theo sàn giao dịch tiền điện tử CoinDesk, ngày 14/3, giá đồng bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên và có giá trị nhất thế giới, đạt mức cao kỷ lục 61.557 USD/bitcoin - tăng hơn gấp đôi giá trị của nó vào ngày 1/1/2021.

Nhưng những rủi ro của việc "chèo lái con sóng" tiền kỹ thuật số cũng được nêu rõ trên các phương tiện truyền thông. Theo một bài viết của tờ Straits Times vào ngày 24/3, các nhà đầu tư đã gửi ít nhất 70 đơn trình báo tới cảnh sát tố cáo sàn giao dịch trực tuyến Torque khiến họ bị mất nhiều triệu đô la vào các đồng tiền kỹ thuật số.

Nền tảng giao dịch trực tuyến Torque là do một doanh nhân người Singapore điều hành.

[Tiền kỹ thuật số: Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong cuộc đua]

Cho đến nay, phản ứng của các chính phủ đối với tiền kỹ thuật số mới ra đời nhưng đang bùng nổ là những động thái trái chiều. Ví dụ, vào năm 2018, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm toàn diện đối với giao dịch tiền kỹ thuật số.

Nhưng vào năm 2020, Tòa án Tối cao nước này đã ra lệnh hủy lệnh cấm với lý do lệnh cấm đó là vi hiến. Trong khi đó, hiện tại, một ủy ban liên bộ của Ấn Độ đã đề xuất ban hành một lệnh cấm đối với các đồng tiền kỹ thuật số của tư nhân, như là đồng bitcoin, vốn không bị ràng buộc hoặc có sự liên quan chặt chẽ với bất kỳ chính phủ nào.

Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang cân nhắc xem có nên cho phép các nhà đầu tư cá nhân được giao dịch trên các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số hay không.

Đề xuất này dựa trên sự tham vấn của các cơ quan trong lĩnh vực này cũng như ý kiến của công chúng. Chính quyền Hongkong có kế hoạch đệ trình một dự luật về vấn đề này, dựa trên đề xuất nói trên, lên hội đồng lập pháp của đặc khu này vào cuối năm nay.

Ở một góc nhìn khác là cách tiếp cận tự do hơn của Hàn Quốc. Nước này vào năm 2020 đã ban hành bộ luật để điều chỉnh và hợp pháp hóa các đồng tiền kỹ thuật số và các hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số.

Kể từ tháng 1/2018, người Hàn Quốc cũng có thể giao dịch tiền kỹ thuật số bằng cách sử dụng tài khoản ngân hàng được liên kết với tên thật của họ. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng có kế hoạch triển khai đồng tiền kỹ thuật số của riêng nước này - đồng tiền S-Coin - để sử dụng trong các chương trình phúc lợi xã hội do thành phố tài trợ.

Trong khi đó, kể từ tháng 10/2018, Indonesia đã cho phép các nhà đầu tư giao dịch tiền kỹ thuật số và các hợp đồng tương lai của đồng tiền này để bảo vệ chúng khỏi biến động giá.

Nhưng ngay cả khi các chính phủ dường như sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận tiền kỹ thuật số, vốn được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2009, thì cũng có những mối lo ngại rằng các loại tiền kỹ thuật số không do các ngân hàng trung ương phát hành có thể được sử dụng vào mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Năm 2019, những lo ngại rằng tiền kỹ thuật số sẽ đe dọa chủ quyền của một quốc gia đã được thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu Benoit Coeure đưa ra, trong số những mối lo ngại khác.

Ông Benoit cảnh báo rằng đồng tiền Libra, một loại tiền kỹ thuật số do Facebook khởi xướng, một ngày nào đó có thể thách thức vị thế thống trị của đồng đôla Mỹ.

Một báo cáo của CNBC công bố vào tháng 9/2019 lưu ý rằng mối lo lắng chính đối với các quốc gia là liệu đồng Libra có thể làm giảm bớt vai trò của các nhà quản lý hay không.

Những lo ngại như vậy đã khiến Facebook thay đổi, điều chỉnh kế hoạch của mình từ việc cung cấp một đồng tiền kỹ thuật số tổng hợp, vốn được hỗ trợ bởi một rổ tiền tệ. Thay vào đó, Facebook sẽ cung cấp các đồng tiền kỹ thuật số khác nhau, mỗi đồng tiền được hỗ trợ bởi một loại tiền tệ của một quốc gia khác nhau phù hợp với giá trị của nó.

Không chịu thua kém gã khổng lồ Facebook, các chính phủ cũng đang thúc đẩy triển khai những phiên bản tiền kỹ thuật số của họ.

Campuchia đã tung ra tiền kỹ thuật số Bakong của mình vào tháng 11/2020. Một ứng dụng trên điện thoại di động cũng đã được phát triển để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch bằng cách sử dụng đồng riel kỹ thuật số hoặc đồng USD.

Tương tự như kế hoạch đồng S-Coin của Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang xem xét về việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số chính thức của riêng mình được quản lý bởi ngân hàng trung ương nước này.

Trung Quốc gần đây đã mở rộng các cuộc thử nghiệm tiền kỹ thuật số đến các thành phố lớn hơn, chẳng hạn như Bắc Kinh và Thượng Hải, sau các cuộc thử nghiệm vào năm 2020 ở Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Khu vực Mới thuộc tỉnh Tây An./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.