Theo trang mạng oilprice.com, lĩnh vực dầu mỏ toàn cầu đang quay cuồng với hàng loạt vấn đề từ giá dầu tụt xuống mức âm, kho chứa bị quá tải, cho đến nhu cầu sụt giảm và những lời kêu gọi một cuộc cách mạng năng lượng tái tạo trong kỷ nguyên hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19).
Các chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ của Mỹ và châu Âu dường như đang đặt hy vọng vào một sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ từ châu Á.
Ngay cả các thể chế tài chính quốc tế như là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng chỉ ra rằng tương lai của sự tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng liên quan mật thiết đến tương lai của Trung Quốc, và ngày càng gắn bó chặt chẽ với Ấn Độ.
Các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt trong OPEC, sau nhiều thập kỷ ưu tiên các nền kinh tế phương Tây, đã thay đổi đường lối đầu tư và các chiến lược khí đốt và dầu mỏ để nắm bắt các thị trường của tương lai này.
Trước khi COVID-19 xảy ra, Trung Quốc đã là một trung tâm quan trọng của toàn cầu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và ảnh hưởng địa chính trị. Mặc dù một số tin tức mang tính phê bình đã cảnh báo về tình hình kinh tế và tài chính đáng lo ngại của Trung Quốc, song giới đầu tư và điều hành chính thống vẫn coi quốc gia này là mục tiêu đầu tư hàng đầu của họ.
[Thị trường dầu mỏ thế giới đứng trước nhiều sóng gió do dịch COVID-19]
Những lo ngại ngày càng gia tăng về thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và tác động tiêu cực của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh không đủ để cản trở các quốc gia và tập đoàn toàn cầu hợp tác kinh tế với người khổng lồ châu Á này.
Các nhà sản xuất dầu mỏ Arab thuộc OPEC cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc, với hơn 50% tổng đầu tư của họ được đổ vào nước này.
Lập luận của họ là Trung Quốc vẫn luôn là một đối tác quan trọng bởi dân số khổng lồ và sức ảnh hưởng kinh tế-chính trị toàn cầu ngày càng lớn của họ.
Thế rồi COVID-19 xuất hiện. Những tác động không thể lường trước của đại dịch toàn cầu này mới chỉ được thảo luận trong các báo cáo của các hãng cố vấn và trong các bộ phim kinh dị của Hollywood.
Dường như không ai nghĩ rằng nó có thể trở thành hiện thực. Giờ đây, có thể thấy hậu quả tiềm tàng từ căn bệnh truyền nhiễm này lớn hơn rất nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người nghĩ.
Hiện vẫn chưa thể thấy được mức độ thiệt hại thực sự mà COVID-19 gây ra, chủ yếu là bởi các chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các mối quan hệ địa chính trị và các tuyến thương mại đã thay đổi một cách mạnh mẽ.
Mạng lưới ảnh hưởng của Trung Quốc hiện đang trở nên rõ ràng hơn khi thực tế chứng minh mức độ nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nặng nề vào một quốc gia duy nhất trong vấn đề an ninh và thương mại quốc tế.
Sự thiếu khả năng phục hồi trong hệ thống kinh tế toàn cầu, đăc biệt là về sản xuất và giao thương, sẽ tác động một cách rất tiêu cực lên Trung Quốc trong những năm tới đây.
Một sự khôi phục mới dựa trên một hệ thống kinh tế đa dạng sẽ là cần thiết để đối phó và giảm thiểu các cuộc khủng hoảng hay đại dịch quốc tế trong tương lai. Đối với các nhà sản xuất dầu mỏ, đặc biệt là các nước Arập trong OPEC và Nga, sự phụ thuộc vào Trung Quốc để tiêu thụ phần lớn sản lượng của họ trong tương lai là một trò chơi nguy hiểm.
Cũng giống như đá phiến của Mỹ phụ thuộc quá nặng nề vào kho chứa Cushing và đã phải trả giá bằng việc giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tụt xuống mức âm khi Cushing quá tải, các nhà sản xuất Arập cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc.
Diễn tiến tiếp theo, vốn đã được thấy rõ ở các nước lớn trong OECD, là việc xem xét lại các dự án đầu tư tương lai và các kế hoạch tài chính hiện tại, và thiết lập các trung tâm sản xuất ngoài Trung Quốc hoặc đưa ngành công nghiệp và sản xuất trở về nước.
Điều này nghe có vẻ giống như chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Donald Trump, song nó được các đảng ở châu Âu coi là cần thiết để đối trọng với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Một chính sách “Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại” (MEGA), dựa trên sự thiếu hụt sản phẩm từ Trung Quốc, đã tạo được sức hút. Các ngành chế tạo ôtô, hóa chất và dược phẩm đang cân nhắc lại mối quan hệ với Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận về việc đưa các cơ sở hạ tầng trở về nước hoặc thiết lập các cơ sở mới ở Ấn Độ, Ai Cập hay những nước khác, nơi có công nghệ cao, trình độ giáo dục cao và giá thành rẻ, cũng đang được đưa lên bàn đàm phán.
Các chiến lược gia của OPEC cũng nên lùi lại một bước, phóng tầm nhìn ra ngoài Trung Quốc để tìm kiếm các lợi ích kinh tế.
OPEC và Nga nên cân nhắc các lựa chọn mà các nước trong OECD, với sự hỗ trợ của các bên khác, đang cân nhắc, liên quan đến việc tái cơ cấu các chính sách của họ với Trung Quốc.
Các khu vực đang nổi sẽ là những nhân tố cần thiết trong sự tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Sự biến đổi này sẽ tác động mạnh mẽ và nhanh chóng đến các dòng chảy thương mại và nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Kuwait, cần cân nhắc điều này trước khi họ phải đối mặt với một sự đã rồi.
COVID-19 đã thay đổi các mối quan hệ quốc tế, chủ nghĩa dân tộc đã khôi phục sức ảnh hưởng lên các chính sác kinh tế của hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và EU.
Nếu không thể hành động, tương lai khí đốt và dầu mỏ của OPEC sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Một thỏa thuận dầu mỏ cần một cách tiếp cận mới tập trung vào khả năng phục hồi trong các chính sách kinh tế.
Tương lai nhu cầu dầu mỏ và khí đốt sẽ không chỉ tập trung vào Trung Quốc, và bất cứ quốc gia nào quan tâm đến ngành công nghiệp này đều nên khởi động kế hoạch cho tương lai đó ngay từ bây giờ./.