Trang mạng Arab News mới đây đã đăng bài viết về những động thái của các cường quốc thế giới tại châu Phi, trong đó phân tích và tìm hiểu lý do tại sao các “ông lớn” lại để mắt tới Lục địa đen.
Theo Arab News, hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới tại Sochi với sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin là một ví dụ cho thấy sự quan tâm và chú trọng ngày càng tăng của các cường quốc hàng đầu thế giới đối với lục địa này.
Trong khi Moskva đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của mình, châu Phi là một mục tiêu then chốt đối với tổng thống Nga, đặc biệt là những lý do liên quan đến vấn đề địa chính trị.
Tại châu Phi, số lượng các thị trường chủ chốt đang nổi lên ngày một tăng, với 6 quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới gồm Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cote d’Ivoire, Mozambique, Tanzania và Rwanda.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác nhận rằng từ nay cho tới năm 2023, triển vọng tăng trưởng chung của châu Phi sẽ nằm trong số tốt nhất trên thế giới.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc dường như đang dành mối quan tâm lớn nhất vào tất cả các quốc gia ở châu Phi nhằm gắn kết hiệu quả giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường với sự phát triển của châu lục này.
[Chuyên gia nói gì về sự cạnh tranh ở châu Phi trong năm 2019?]
Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Bắc Kinh, gồm chủ tịch nước, thủ tướng và ngoại trưởng đã thực hiện khoảng 80 chuyến thăm tới trên 40 quốc gia ở châu Phi trong thập kỷ qua.
Kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng từ 765 triệu USD vào thời điểm cách đây 4 thập kỷ lên mức khoảng 170 tỷ USD hiện nay và có tới 40 nước ở châu Phi đã ký kết thỏa thuận "Vành đai và Con đường" với Bắc Kinh.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi, trong đó hội nghị diễn ra năm ngoái có sự hiện diện của hơn 50 nguyên thủ quốc gia.
Đây là một hình mẫu mà Tổng thống Putin có vẻ như muốn theo đuổi nhằm củng cố vị trí của Moskva ở lục địa này; Kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi đã tăng từ 5,7 tỷ USD trong năm 2009 lên thành 17,4 tỷ USD vào năm 2017.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích vì không có chính sách gắn kết chặt chẽ với châu Phi bất chấp việc cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hồi năm ngoái cho rằng Bắc Kinh và Moskva đã “gây trở ngại đối với hoạt động quân sự của Mỹ và gây ra mối đe dọa đáng kể với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ” ở lục địa này.
Ví dụ như Kenya là một đối tác chủ chốt của Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch chống khủng bố. Tổng thống Uhuru Kenyatta là một trong số ít nhà lãnh đạo châu Phi được mời tới Nhà Trắng trong thời gian ông Trump cầm quyền.
Tuy nhiên 70% khoản nợ nước ngoài của Kenya là thuộc về Bắc Kinh và nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn của nước này đang được các công ty của Trung Quốc thực hiện.
Thực tế, không chỉ Trung Quốc và Nga đang tỏ ra quan tâm nhiều hơn đối với châu Phi, các quốc gia chủ chốt khác như Ấn Đô, các nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức cũng đang quan tâm nhiều hơn tới châu lục này.
Ví dụ như dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, Paris đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước từng là thuộc địa của mình khi thắt chặt quan hệ với các nền kinh tế lớn nhất của châu Phi.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel là một “vị chính khách thường xuyên” tới thăm châu lục này.
Ngoài ra, Anh - vốn đang trên lộ trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit - cũng như vậy.
Hoàng tử Harry và vợ là Công nương Meghan Markle hiện đang thực hiện chuyến thăm một số nước châu Phi, gồm Nam Phi, tiếp đến là Botswana, Angola và Malawi. Hoàng tử Harry dự kiến sẽ thị sát các dự án cứu trợ nhân đạo ở những nước này.
Năm 2018, Thủ tướng Anh khi ấy là bà Theresa May cũng đã thực hiện chuyến công du châu Phi, trong đó có chuyến thăm tới Kenya.
Bà May là vị Thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm quốc gia châu Phi này kể từ năm 1988. Tại đây, bà May đã phát biểu rằng đây là “một cơ hội duy nhất vào thời điểm chỉ có một không hai.”
Điều này nhấn mạnh rằng, đối với London, lục địa này đã có tầm quan trọng mới khi Anh đang tìm cách củng cố các mối quan hệ với các quốc gia ngoài EU khi Anh rời khỏi liên minh này.
Tuy nhiên, không chỉ vì những lý do kinh tế mà London coi trọng quan hệ với châu Phi. Các nhà hoạch định chính sách của Anh cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường quan hệ hợp tác an ninh giữa phương Tây với châu Phi nhằm giải quyết những bất ổn ở khắp khu vực này.
Đáng chú ý là mối đe dọa từ lực lượng phiến quân Boko Haram và Al-Shabab, trong khi lực lượng Anh đang tham gia liên minh chống lại lực lượng này.
Những động thái trên cho thấy các cường quốc phương Tây và Trung Quốc đang ngày càng “để mắt” tới châu Phi.
Điều này không chỉ phản ánh những tính toán về khía cạnh kinh tế mà còn có những mối quan tâm lớn hơn về chính trị.
Từ Brexit cho tới trò chơi quyền lực lớn đang diễn ra giữa Washington, Moskva và Bắc Kinh, sự quan tâm tới lục địa này nhiều khả năng sẽ chỉ tăng lên từ năm 2020 trở đi, đặc biệt nếu châu lục này tiếp tục phát huy được tiềm năng kinh tế đáng kể của mình./.