Lý giải nguyên nhân khiến giá thép tăng cao chưa có dấu hiệu giảm

Nhiều ý kiến đặt nghi vấn có sự bắt tay giữa các công ty thép hay có hiện tượng đầu cơ nâng giá mặt hàng này, tuy nhiên, theo các bộ ngành, đây là động thái hết sức bình thường của thị trường.
Lý giải nguyên nhân khiến giá thép tăng cao chưa có dấu hiệu giảm ảnh 1Sơn chống gỉ vết cắt của thép thành phẩm tại Nhà máy cán thép Thái Trung thuộc Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Giá thép tăng nhanh trong thời gian gần đây, khiến cho nhiều chủ đại lý và các chủ thầu xây dựng gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Nhiều ý kiến đặt nghi vấn có sự bắt tay giữa các công ty thép hay có hiện tượng đầu cơ nâng giá mặt hàng này. Tuy nhiên, theo các bộ ngành và doanh nghiệp, đây là động thái hết sức bình thường của thị trường.

Khảo sát thông tin giá thép trên thị trường, anh Ngô Khánh, chủ đại lý sắt thép tại Hà Nội cho hay hiện giá thép nhập vào ngày hôm nay (6/5) đã ở mức 18.200 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với nửa tháng trước và tăng khoảng 5.000 đồng so với hồi đầu năm. Đây là mức tăng mạnh và các nhà máy liên tục chào giá mới tới các đại lý. So với thời điểm này năm 2019 và 2020, giá chỉ khoảng từ 12.000-13.000 đồng/kg thì giá thép hiện đã tăng khoảng 50%.

Năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm sắt thép cũng sẽ tăng mạnh. Ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục khi Chính phủ triển khai các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam và các đường dây truyền tải điện 500KV sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.

Với tình hình này, Bộ Công Thương cho biết thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo "quan hệ cung-cầu." Do đó, việc nêu vấn đề có sự bắt tay của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao theo Bộ Công Thương là "không có cơ sở."

[Dự báo giá thép có thể tiếp tục tăng đến hết quý 3 năm 2021]

Cũng liên quan vấn đề này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho hay, việc giá thép tăng là do thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than tăng mạnh. Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng cũng đã có kiến nghị kiểm tra giá thép. Điều này là bình thường và không ảnh hưởng đến Hòa Phát. Nếu việc kiểm tra không phát hiện điều gì bất thường như độc quyền thị trường cũng không có vấn đề gì đến doanh nghiệp, ông Long cho biết.

Vị đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng nói rõ thời gian qua nhu cầu tiêu thụ sắt thép của các quốc gia trên thế giới đều tăng mạnh, giá thép tăng lên mức cao. Trong khi nguồn cung khan hiếm từ Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát sản lượng của Chính phủ Trung Quốc tại khu vực Đường Sơn. Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng bất động sản khởi sắc trở lại vì vậy, các đại lý tăng cường nhập hàng dự trữ cho kế hoạch kinh doanh năm 2021. Các công trình xây dựng cũng gấp rút triển khai, tăng cường nhập hàng đề phòng giá tăng tiếp có thể ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình. Những yếu tố này cũng đã khiến giá thép thời gian qua tăng mạnh.

Lý giải về giá thép tăng, đại diện Hiệp hội Thép cho biết nhìn chung trong thời gian qua, thị trường thép cuộn cán nóng HRC thế giới biến động rất mạnh khiến cho thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Ở trong nước, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với đầu năm trên thị trường toàn cầu và Việt Nam. Đúng như dự báo của Hiệp hội Thép, tháng Năm này và thời gian tới, giá bán có thể sẽ tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Lý giải nguyên nhân khiến giá thép tăng cao chưa có dấu hiệu giảm ảnh 2Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, cũng cho rằng xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoàng tài chính 2008.

Các chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021. Bởi đất nước này có nhu cầu nội địa lớn với nhiệm vụ kép phục hồi sau COVID-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025.

Điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm thế nào để kiểm soát và kìm lại đà tăng của giá thép. Về vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá...

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dung; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

"Theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép," Bộ Công Thương cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.