Malaysia giám sát chống cạnh tranh thương vụ giữa Grab và Uber

Malaysia thông báo sẽ đưa hãng taxi công nghệ Grab vào danh sách giám sát chống cạnh tranh sau khi hãng này tiếp nhận mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối thủ Uber.
Malaysia giám sát chống cạnh tranh thương vụ giữa Grab và Uber ảnh 1 Ứng dụng Grab (giữa) và Uber (trái) trên điện thoại di động. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 2/4, Malaysia thông báo sẽ đưa hãng taxi công nghệ Grab vào danh sách giám sát chống cạnh tranh sau khi hãng này tiếp nhận mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối thủ Uber.

Thông báo cho biết Ủy ban Cạnh tranh của Malaysia sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột.

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Nancy Shukri khẳng định việc giám sát là cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong mảng dịch vụ vận tải này để gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng. Bà nhấn mạnh trong trường hợp có hiện tượng chống cạnh tranh, Đạo luật Cạnh tranh sẽ ngay lập tức có hiệu lực.

Theo Bộ trưởng Nancy, tại cuộc họp diễn ra tuần trước, Grab - công ty được định giá khoảng 6 tỷ USD, đã đưa ra đảm bảo rằng trong quá trình chuyển giao, sẽ không xảy ra chuyện giá không hợp lý cũng như không có chuyện tăng phí vận chuyển.

[Tâm lý lo ngại sau khi Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á]

Malaysia là nước tiếp theo tại Đông Nam Á đưa thương vụ giữa hai "đại gia" đình đám Uber-Grab vào "tầm ngắm." Trước đó, ngày 30/3, Singapore thông báo sẽ điều tra về thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh nói trên với lý do lo ngại thỏa thuận này có thể tạo thế độc quyền cho Grab, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và giới tài xế.

Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore đã ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp tạm thời cho Uber và Grab, yêu cầu hai công ty này không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.

Thông báo của ủy ban cũng yêu cầu hai doanh nghiệp giữ nguyên các chính sách về giá cũng như các loại hình phục vụ như trước khi đạt được thỏa thuận, đồng thời không được phép chia sẻ cho nhau mọi thông tin mật liên quan đến vấn đề định giá, hay số liệu về khách hàng cũng như tài xế.

Singapore cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh giữa Uber và Grab vi phạm điều khoản 54 của Đạo luật Cạnh tranh, theo đó cấm việc sáp nhập và thâu tóm về cơ bản làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường.

Theo thỏa thuận đạt được ngày 26/3, Uber sẽ chuyển nhượng toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đổi lại công ty đặt trụ sở ở Mỹ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Thương vụ này đánh dấu lần rút lui thứ 2 của Uber tại thị trường châu Á.

Trước đó, Uber cũng đã bán các hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc. Grab cho biết hãng này sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại tám nước Đông Nam Á mà Uber hiện diện, đồng thời sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.

Grab đi vào hoạt động từ năm 2012 và nhanh chóng đầu tư nhiều tiền bạc vào phát triển thị trường tại các quốc gia láng giềng như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế tại Đông Nam Á tham gia mạng lưới của Grab. Hãng cũng được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại khu vực này.

Theo công ty phân tích dữ liệu di động App Annie, trong năm 2017, Grab đứng thứ 5 trong số các ứng dụng hàng đầu dựa trên số người sử dụng dịch vụ hàng tháng ở Singapore , trong khi Uber đứng vị trí thứ 7.

Cạnh tranh giữa các hãng cung cấp dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng là các ứng dụng kết nối tại Đông Nam Á đã nóng lên rất nhanh khi thị trường tiềm năng này được dự báo sẽ phát triển gấp 5 lần, lên mức 13,1 tỷ USD trong năm 2025.

Mặc dù Uber vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với sự hiện diện ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới, song hãng hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.