Malaysia hối thúc APEC tăng cường hợp tác về an ninh lương thực

Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Malaysia Ronald Kiandee cho rằng, các nước thành viên trước hết cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, đổi mới và xây dựng năng lực.
Malaysia hối thúc APEC tăng cường hợp tác về an ninh lương thực ảnh 1Cánh đồng lúa mỳ ở gần Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Với tư cách là chủ nhà Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2020, Malaysia vừa lên tiếng kêu gọi các nước thành viên APEC tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh lương thực trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại buổi Đối thoại cấp Bộ trưởng về chính sách an ninh lương thực ngày 27/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Malaysia Ronald Kiandee cho rằng, các nước thành viên trước hết cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, đổi mới và xây dựng năng lực.

Theo Bộ trưởng Ronald Kiandee, cải thiện khả năng phục hồi của các hệ thống cung ứng lương thực, đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và ứng dụng hiệu quả công nghệ và kinh tế số vào lĩnh vực nông nghiệp cần phải được đặc biệt coi trọng.

Buổi đối thoại do Bộ trưởng Ronald Kiandee chủ trì theo hình thức trực tuyến có sự tham dự của đại diện 21 nước thành viên và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC. 

[Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực thời COVID-19]

Theo thông cáo được đưa ra sau buổi đối thoại, các đại biểu đã nhất trí rằng cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi lương thực và các sản phẩm nông nghiệp xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, các nước cũng cần có biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đảm bảo các tuyến giao thương luôn mở cửa.

Chỉ khi đó, an ninh lương thực trong khu vực mới được đảm bảo, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.