Malaysia hướng tới kim ngạch 18 tỷ USD với Việt Nam vào năm 2025

Malaysia nhận định Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động thương mại và kinh doanh trong ASEAN nhờ có các chính sách thân thiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh công nghiệp.
Malaysia hướng tới kim ngạch 18 tỷ USD với Việt Nam vào năm 2025 ảnh 1Nhiều công ty Malaysia muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Ảnh minh họa. (Nguồn: Quốc Dũng/TTXVN)

Cơ quan Xúc tiến Thương mại Malaysia (MATRADE) đang nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại giữa Malaysia và Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng và có thể đạt 76 tỷ RM (18 tỷ USD) vào năm 2025.

Hãng thông tấn Bernama (Malaysia) dẫn lời Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN và châu Đại Dương của MATRADE, ông Raja Badrulnizam Raja Kamalzaman cho biết mặc dù phải ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt được mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,9%.

Ông ca ngợi Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong đại dịch COVID-19 đầy khó khăn.

Theo bài viết, Việt Nam, với hơn 96 triệu dân, trong đó 65% dân số dưới 35 tuổi, đang chứng kiến sự gia tăng nhóm người có thu nhập trung bình. Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động thương mại và kinh doanh trong ASEAN nhờ thực hiện các chính sách thân thiện với doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

[Malaysia đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại vào Việt Nam]

Thông qua Cơ quan đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến (EAM) tại Việt Nam, từ ngày 23-25/11, MATRADE đã dẫn đầu một nhóm gồm 17 công ty Malaysia đến tìm hiểu các hợp tác kinh doanh chiến lược giữa Malaysia và các doanh nghiệp địa phương tại thị trường Việt Nam sôi động và đang phát triển nhanh chóng.

EAM tại Việt Nam có sự tham gia của nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy móc, linh kiện, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng như thực phẩm và đồ uống, nhằm khai thác nhu cầu ngày càng tăng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Các công ty này chuyên cung cấp các giải pháp công nghiệp như nền tảng giải pháp thông minh dựa trên dữ liệu và máy móc tự động hóa, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tổng thể, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống pha sẵn...

Ngoài việc cung cấp nền tảng cho các công ty Malaysia mở rộng thương hiệu của họ tại Việt Nam, EAM hy vọng sẽ mở ra cơ hội cho các công ty Việt Nam tìm hiểu quan hệ đối tác trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó đoán định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thông qua cơ quan này, 142 phiên họp kinh doanh trực tuyến 1-1 đã được tổ chức với 46 công ty Việt Nam, mang đến hợp đồng kinh tế doanh có tổng giá trị 62,67 triệu RM.

Ngoài chuỗi cuộc họp trên, một buổi họp trực tuyến đã được tổ chức vào ngày 23/11 với sự phối hợp của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và Phòng Kinh doanh Malaysia tại Việt Nam (MBC) để chia sẻ thị trường, cập nhật về các khía cạnh kinh doanh ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.