Malaysia, Indonesia lo ngại hoạt động xuất khẩu dầu cọ sang EU

Malaysia và Indonesia xem xét một cách nghiêm túc việc hạn chế xuất khẩu dầu cọ sang EU và hai bên sẵn sàng phối hợp để chống lại sự phân biệt đối xử.
Malaysia, Indonesia lo ngại hoạt động xuất khẩu dầu cọ sang EU ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.awareenvironmental.com.au)

Malaysia và Indonesia xem xét một cách nghiêm túc việc hạn chế xuất khẩu dầu cọ sang Liên minh châu Âu (EU) và hai bên sẵn sàng phối hợp để chống lại sự phân biệt đối xử.

Vấn đề trên được Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU, với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Báo Bernama số ra ngày 14/11 cho hay sự phân biệt đối xử sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu cọ, đe dọa nguồn thu nhập, phúc lợi và sinh kế của 600.000 hộ nông dân nhỏ ở Malaysia và 17,5 triệu hộ ở Indonesia.

Thủ tướng Najib đã nhấn mạnh vấn đề này với Chủ tịch Tusk, cho rằng nó "rất nghiêm trọng". Quan chức EU khẳng định sẽ đích thân xem xét vấn đề này.


[Indonesia có thể xuất khẩu 27 triệu tấn dầu cọ thô năm nay]

Khi được hỏi liệu Malaysia và Indonesia có hành động đối phó nếu EU vẫn kiên quyết về vấn đề này hay không, Thủ tướng Najib cho biết ông sẽ nêu vấn đề với Tổng thống Jokowi trong cuộc gặp ngày 22/11 tới tại Kuching.

Theo ông, Malaysia và Indonesia nên phối hợp trong vấn đề này nhằm tạo tác động tích cực và rõ rệt vì sản lượng dầu cọ của 2 nước này chiếm tới 82% tổng sản lượng của thế giới với giá trị hơn 13,6 tỷ USD.

Hồi tháng 4 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết, trong đó tuyên bố chỉ có dầu cọ bền vững với môi trường mới có thể được nhập khẩu vào EU sau năm 2020, bởi sản phẩm dầu cọ hiện nay không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững.

Nghị quyết này cũng nhấn mạnh dầu cọ xuất khẩu vào châu Âu phải được chứng nhận theo một quy trình sản xuất bền vững để đảm bảo dầu được sản xuất bằng phương pháp bền vững môi trường và ngăn chặn nạn phá rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.