Mang Tết sớm ra nhà giàn: Khép lại hành trình đầy cảm xúc

Tàu vận tải Trường Sa 19 thuộc Lữ đoàn 125 mang theo các món quà Tết, chứa đựng tình cảm sâu nặng đất liền tới những người đang canh giữ biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Mang Tết sớm ra nhà giàn: Khép lại hành trình đầy cảm xúc ảnh 1Các chiến sỹ chuyển quà lên tàu để mang đến cho những chiến sỹ đang canh giữ biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 27/1, sau 2 tuần "đè sóng" mang Tết sớm ra 5 nhà giàn và huyện đảo Côn Đảo, chuyến hành trình đầy cảm xúc của Đoàn công tác số 2 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đã khép lại.

Trước đó, sáng 14/1, tàu vận tải Trường Sa 19 thuộc Lữ đoàn 125 đã rời quân cảng của Lữ đoàn 171 ở thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), mang theo các món quà Tết, chứa đựng tình cảm sâu nặng của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 và nhân dân cả nước, tới những người đang canh giữ biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Sau gần 30 giờ hành trình không nghỉ, đoàn công tác số 2 do Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn, cùng các các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Báo Hải quân Việt Nam đã có mặt ở vùng biển thuộc Cụm Phúc Nguyên.

Đại tá Hoàng Minh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Phó Trưởng đoàn Đoàn công tác số 2, cho biết trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ngày 5/7/1989, Cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập. Trong các năm 1990, 1996, 1998 và 2000, một số cán bộ, chiến sỹ hải quân thuộc các nhà giàn đã hy sinh trong khi chống chọi với những cơn bão biển dữ dội.

Trong số các liệt sỹ đã nằm lại vùng biển phía Nam của Tổ quốc có Thượng úy Trần Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị. Nêu cao tấm gương của một Bí thư Chi bộ, anh bình tĩnh động viên đồng đội hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trước khi bị nước cuốn trôi, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho chiến sỹ yếu nhất.

Còn Chuẩn úy Lê Đức Hồng thì can trường giữ liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân đến cùng. Khi Nhà giàn DK1/6 bị đổ, anh chỉ kịp nói lời chào vĩnh biệt đất liền.

[Tưởng nhớ các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại quần đảo Trường Sa]

Chuẩn úy Nguyễn Văn An - đồng đội của liệt sỹ Lê Đức Hồng tại Nhà giàn DK1/6, ra đi khi đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố...

Phút tưởng niệm thiêng liêng diễn ra trong tiếng nhạc Hồn tử sỹ trầm hùng. Những người có mặt đã thắp nén hương thơm và thả vòng hoa xuống biển. Trên vòng hoa vàng-đỏ được kết thành lá cờ Tổ quốc có dòng chữ: “Đời dời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sỹ."

Tiếp đó, bất chấp thời tiết diễn biến xấu, sóng dâng cao 4m và gió thổi mạnh, tổ vận chuyển của tàu Trường Sa 19 đã can đảm dùng xuồng máy đưa hàng Tết đến gần chân Nhà giàn DK 1/15. Các thùng hàng được bọc cẩn thận trong 2 lớp ni lông dày trước khi thả xuống nước và được kéo lên nhà giàn bằng những sợi dây thừng dài và chắc chắn.

Tuy nhiên, đoàn công tác không thể lên nhà giàn sau nhiều lần cố gắng tiếp cận. Các cơn sóng mạnh liên tục đánh bật chiếc xuồng ra khỏi chân công trình. Đại tá Phạm Quyết Tiến bùi ngùi gửi tới các cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn lời chúc mừng năm mới qua máy bộ đàm.

Con tàu hú lên hồi còi dài tạm biệt sau khi chạy một vòng quanh nhà giàn. Bầu không khí im lặng bao trùm con tàu, những người có mặt đều bồi hồi xúc động.

Mang Tết sớm ra nhà giàn: Khép lại hành trình đầy cảm xúc ảnh 2Cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thả hoa tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại vùng biển phía Nam của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Khi gió mùa Đông Bắc tăng cường đổ về phương Nam, sóng tại vùng biển thuộc Cụm Tư Chính, nơi cắm chân của Nhà giàn DK 1/12, đạt cấp 7, giật cấp 8. Việc hạ xuồng tron điều kiện sóng biển dâng tới 6m để chở người và hàng đến nhà giàn trở nên bất khả thi. Tàu Trường Sa 19 cũng không thể thả neo mà phải chạy lòng vòng tránh sóng suốt hơn 3 ngày đêm.

Chớp thời cơ sóng, gió hạ cấp và sau nhiều nỗ lực, đoàn công tác đã lên được nhà giàn để trực tiếp trao quà Tết cho các cán bộ, chiến sỹ. Điều này tạo động lực lớn cho các thành viên trong Đoàn trong chặng đường tiếp theo.

Việc tiếp cận Nhà giàn DK 1/14 cũng rất khó khăn và nguy hiểm. Đại tá Phạm Quyết Tiến quyết định để hạn chế tối đa sự rủi ro, các thành viên trong đoàn công tác ở lại trên tàu, chỉ có trưởng đoàn và phó đoàn, vốn là các sỹ quan hải quân dày dạn kinh nghiệm, thực hiện nhiệm vụ thăm hỏi, chúc Tết trên nhà giàn.

Vào những ngày sóng và gió dịu bớt việc trao quà Tết tại các Nhà giàn DK 1/11 và DK 1/10 diễn ra khá thuận lợi. Còn trong 2 ngày cuối cùng của cuộc hành trình, đoàn công tác đến viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương, thăm, chúc Tết các cơ quan Dân-Chính-Đảng, các đơn vị lực lượng vũ trang trú chân tại huyện đảo Côn Đảo.

Đánh giá về chặng hành trình sóng gió, Đại tá Phạm Quyết Tiến cho biết vào tháng áp Tết Nguyên đán hằng năm vùng biển phía Nam, nơi các nhà giàn DK 1 cắm chân, luôn có sóng to, nguy hiểm. Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra chuyến đi năm nay, thời tiết có những biến động bất thường, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Mặc dù vậy, đoàn công tác số 2 đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình - đưa người và hàng Tết lên các nhà giàn an toàn, đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tới các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục