Tận dụng mạng xã hội để thực hiện công tác truyền thông và quảng bá sản phẩm sẽ là hướng đi hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và mở rộng thị trường.
Đây là lời khuyên của các chuyên gia tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 25/3, tại Hà Nội.
[Thủ tướng Chính phủ: Chi phí không chính thức đã 'giết' doanh nghiệp]
Thiếu thông tin về thị trường
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh tự do hoá thương mại, tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là rất lớn, trong đó, sức ép cạnh tranh mở rộng thị trường xuất khẩu diễn ra gay gắt.
Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu về nâng cao năng lực Xúc tiến thương mại nhằm thu hút đầu tư thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó là việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, thâm nhập thị trường mới và tham gia chuỗi sản xuất nhằm từng bước nâng cao nội lực của nền kinh tế.
Có thể thấy, do hạn chế về vốn và qui mô nên hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ không có bộ phân riêng và chuyên sâu về marketing để nghiên cứu thị trường, nhất là các thị trường nước ngoài.
Chính vì vậy, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thiếu các thông tin về thị trường, về đối tác tiềm năng hay các nhà nhập khẩu tiềm năng ở thị trường muốn hướng tới.
Phải thể hiện thương hiệu trên mạng xã hội
Hiện nay, mạng xã hội là một công cụ cực kỳ hữu hiệu để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình.
Theo bà Cecile Delettre, Trưởng phòng hợp tác và truyền thông sáng tạo, Ban Xúc tiến và truyền thông (Business France), thông qua mạng xã hội có thể kết nối khách hàng và đối tác. Do vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tồn tại và phát triển phải thể hiện được thương hiệu trên mạng xã hội, từ đó nâng được giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Một số công cụ mạng xã hội phổ biến được bà lưu ý đó là: Twitter được sử dụng bởi 24% dân số, Facebook là 61%, Linkedin là 13%…
Bên cạnh đó, thông qua YouTube, doanh nghiệp cần đưa được nhiều hình ảnh, video giới thiệu về sản phẩm hay dây chuyền sản xuất, công nghệ nhằm giúp khách hàng biết đến chất lượng sản phẩm và tên tuổi của mình. Đây là hướng đi rất hiệu quả.
Chia sẻ thêm về thương mại điện tử, đại diện Bisiness France cho rằng, hiện có nhiều nền tảng lớn như Alibaba, Lazada, Amazon, Ebay… là kênh mà doanh nghiệp nên sử dụng vì có nhiều khách hàng cũng như các kênh phân phối uy tín để từ đó đảm bảo sản phẩm có thể đến tay khách hàng một cách thuận lợi nhất, tạo được niềm tin của người dùng.
“Bài đăng thường xuyên, hình ảnh, video với tần suất 3 Tweet theo ngày cho bữa sáng, bữa tối trên Twitter, 4 video theo tháng trên YouTube,” là bí quyết thành công được bà Cecile Delettre đưa ra tại hội thảo.
Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác với Business France và cơ quan phát triển Pháp (AFD)… nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống Xúc tiến thương mại của Việt Nam.
Trong đó, dự án tập trung sâu hơn về việc tiếp cận thông tin về thị trường cũng như sử dụng các phương pháp xúc tiến thương mại hiện đại và hiệu quả vào trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp như truyền thông, thương mại điện tử, mạng xã hội… qua đó có thể xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng các chiến dịch marketing cho doanh nghiệp.
Theo ông, một trong số các hoạt động rất mới của dự án là việc các bên đã có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đến gặp Hiệp hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có các chương trình và hoạt động rất cụ thể, chi tiết.
Ví dụ như nhu cầu về thông tin, cách làm truyền thông hiệu quả hơn thông qua ứng dụng mạng xã hội, thương mại điện tử… các kỹ năng này được cơ quan phát triển của Pháp và Cục Xúc tiến thương mại có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể.
“Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại đã có bước đầu trao đổi với cơ quan phát triển Pháp AID cùng với Business France… đi sâu vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để khai thác hiệu quả hơn dự án này,” ông Vũ Bá Phú thông tin thêm./.
Trước đó, ngày 5/3, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon và Cục Xúc tiến thương mại đã đưa ra kế hoạch chi tiết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới. Chương trình độc quyền “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com” sẽ tuyển chọn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm năng tại Việt Nam - những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn về sản phẩm của Amazon để nhận sự hỗ trợ từ Amazon Global Selling, Cục Xúc tiến thương mại cũng như các đối tác chuyên gia. Mục tiêu của chương trình là giúp những doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiềm năng nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua bán hàng trên mô hình thương mại điện tử toàn cầu của Amazon. Bên cạnh đó, một loạt chương trình đào tạo sẽ được triển khai trên toàn quốc nhằm trang bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam những kiến thức nền tảng để có thể xuất khẩu thành công sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế trên Amazon. |