Mật ong bạc hà Mèo Vạc: Cần giữ chất lượng theo thương hiệu đăng ký

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công văn yêu cầu tỉnh Hà Giang phát triển đàn ong có quy hoạch và không nên nuôi ong với mật độ quá cao vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Mật ong bạc hà Mèo Vạc: Cần giữ chất lượng theo thương hiệu đăng ký ảnh 1Ảnh minh họa: Kiểm tra ong nuôi tại Ninh Bình. (Nguồn: Đình Huệ/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trạng nuôi ong theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc của các hộ thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh của tỉnh Hà Giang chủ yếu nuôi giống ong nội của địa phương (Apis cerana cerana) với quy mô nhỏ từ 5 – 100 đàn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều đàn ong ngoại từ ngoài tỉnh chuyển đến nuôi trong vùng, mỗi điểm từ 300 đàn trở lên, chủ yếu cho ăn đường và số hộ nuôi ong của người dân bản địa tăng nhanh trên 40%/năm.

Trong khi đó, nguồn hoa bạc hà trong vùng là rất hạn chế, cây thưa, dẫn đến nguồn hoa thiếu, tranh chấp nguồn mật làm cho số quân trong các đàn ong là rất ít, năng suất mật thấp (chỉ 40-50% so với bình thường). Một số đàn ong nội bị cướp mật dẫn đến tan đàn.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đã vừa ban hành Công văn số 9337/BNN-CN và yêu cầu tỉnh Hà Giang cần phát triển đàn ong có quy hoạch và không nên nuôi ong với mật độ quá cao vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Theo nội dung Công văn này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ, để đảm bảo chất lượng mật ong mang thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc, người nuôi ong phải tuân thủ các quy định Quyết định số 316/QĐ-SHTT ngày 01/3/2013 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật ong bạc hà Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, cây bạc hà là cây mọc tự nhiên, nằm trên đất sản xuất của đồng bào, tuy nhiên gần đây, để tăng diện tích và mật độ giúp cho ong khai thác mật được tốt hơn người dân đã nhân rộng diện tích trồng cây này.

Do vậy, địa phương cần căn cứ vào nguồn hoa thực tế để bố trí số lượng đàn ong cho phù hợp, lưu ý ưu tiên bảo tồn và phát triển ong nội bản địa (Apis cerana cerana).

“Đặc biệt, Hà Giang cần chủ động xây dựng Quy chuẩn địa phương cho ong mật và sản phẩm của ong mật, hướng dẫn các cơ sở nuôi ong mật xây dựng, công bố Tiêu chuẩn cơ sở ong mật và sản phẩm của ong mật,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh đề nghị.

Cụ thể, nội dung Công văn này cũng nêu rõ, Hà Giang cần xây dựng kế hoạch bảo tồn ong nội tại địa phương, nêu rõ tên giống cụ thể theo Văn bản số 818/BNN-KHCN ngày 16/4/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc bảo tồn nguồn gen ong. Về mặt quản lý ngành, tỉnh cần phối hợp với Viện Chăn nuôi để có kế hoạch bảo tồn.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần rà soát, đánh giá lại nội dung của Quyết định số 316/QĐ-SHTT ngày 01/3/2013 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và đề xuất kịp thời các nội dung điểu chỉnh để cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho phù hợp.

“Địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng mật ong đã đăng ký theo chỉ dẫn địa lý, tránh gian lận thương mại, để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm mật ong đúng chất lượng theo thương hiệu đã đăng ký,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.