Mặt trái của chính sách "Không COVID" đối với tăng trưởng kinh tế

Có một sự thật đó là khi phần còn lại của thế giới đang dần thích nghi với điều kiện cuộc sống bình thường mới, Trung Quốc lại dường như bị mắc kẹt trong các phương pháp cũ và ngột ngạt.
Mặt trái của chính sách "Không COVID" đối với tăng trưởng kinh tế ảnh 1Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tháng 2/2022, cả thế giới dõi theo Trung Quốc khi nước này khai mạc Thế vận hội Mùa Đông. Sau hai năm áp dụng chiến lược "Không COVID" (Zero COVID) nghiêm ngặt, việc mở cửa biên giới cho một sự kiện thể thao quốc tế đã khiến nhiều người tin tưởng rằng đây có thể là sự khởi đầu cho quá trình nới lỏng dần dần trong chính sách kiểm soát COVID-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên một tháng sau, Thượng Hải đã bị phong tỏa theo cách nghiêm ngặt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán.

Những “lỗ hổng” của Zero COVID

Hậu quả là, thành phố giàu có bậc nhất Trung Quốc đã chứng kiến tình trạng khan hiếm thực phẩm và sự chậm trễ trong các dịch vụ chăm sóc y tế… Tình hình hiện tại dường như khác hẳn so với khi Trung Quốc chính thức tuyên bố chiến thắng đại dịch vào mùa Hè năm 2020.

Trung Quốc đã tự hào về chiến lược Zero COVID là phương pháp ưu việt, được đo lường bằng tỷ lệ tử vong và nhiễm bệnh tương đối thấp. Tuy nhiên, trong khi thế giới đang chuyển sang giai đoạn dịch bệnh đặc hữu, Trung Quốc vẫn là quốc gia lớn duy nhất theo đuổi chiến lược ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ đại dịch COVID-19.

[Trung Quốc: Thành phố Thượng Hải lao đao vì chính sách zero COVID]

Nhìn chung, chiến lược này đã giúp Trung Quốc thoát khỏi sự tàn phá của đại dịch nhưng khó có thể là công cụ hữu ích để giúp quốc gia đông dân nhất thế giới chuyển sang thích ứng với thực tế sống chung với COVID-19.

Các chuyên gia cả trong và ngoài Trung Quốc đã đặt câu hỏi về tính bền vững của chiến lược Zero COVID, đặc biệt là khi các biến thể có khả năng lây truyền cao, chẳng hạn như Omicron, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện. Thách thức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh còn phức tạp hơn khi Bắc Kinh từ chối vaccine mRNA do phương Tây sản xuất.

Một phương pháp cũ và ngột ngạt

Là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, Thượng Hải là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc phong tỏa không thời hạn thành phố này đã gây ra những lo lắng về kinh tế giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Ngay cả mô hình “quản lý vòng kín” - một sự sắp xếp giống như bong bóng tương tự như hệ thống Thế vận hội Mùa đông, cho phép một số ngành công nghiệp chủ chốt hoạt động trở lại - cũng tiếp tục đối mặt với những thách thức về mặt hậu cần.

Mặc dù trước mắt các nhà đầu tư sẽ không rút khỏi Trung Quốc nhưng cách nước này xử lý đợt phong tỏa tại Thượng Hải sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp xem xét việc đa dạng hóa hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc trong dài hạn.

Bất chấp những hậu quả kinh tế quá lớn, giới chức Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh rằng chiến lược Zero COVID cứng rắn là chìa khóa cho sự thịnh vượng của Thượng Hải. Nếu không có các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, khả năng lây nhiễm quy mô lớn sẽ làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém tại đô thị khổng lồ này.

Thực tế, người cao tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất do rất nhiều trong số này ngại tiêm chủng. Tình hình này đã dẫn đến chiến dịch tiêm chủng mạnh mẽ nhắm vào những người trên 60 tuổi. Vào tuần đầu tiên của tháng 5, Ủy ban Y tế Quốc gia báo cáo 81,6% người cao tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ, sự cải thiện đáng kể so với một tháng trước đó khi chưa đến một nửa số người cao tuổi được tiêm phòng.

Không có nghi ngờ gì về việc kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi một khi đại dịch kết thúc nhưng thời điểm kết thúc dường như còn xa. Về quan hệ đối ngoại, Trung Quốc có thể không thấy mình có vị trí thuận lợi với các đối tác láng giềng trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh như nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang tích cực tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực và châu Âu cũng bắt đầu chuyển hướng quan tâm chiến lược tới khu vực năng động này.

Với việc các nước Đông Nam Á mở cửa, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc, từng rất thành công, nhất là trong năm 2021, hiện đang mờ dần. Khu vực này hiện đang chuyển trọng tâm sang phục hồi hậu COVID-19 và tìm kiếm các đối tác có thể giúp họ đạt được các mục tiêu này. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ diễn ra ngày 12-13/5 là cơ hội quan trọng để các nước ASEAN tìm kiếm cơ hội lớn hơn ngoài Trung Quốc.

Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU), thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đang nhắm tới việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia, trong đó có Malaysia. Các lĩnh vực hợp tác có thể có khác bao gồm xây dựng các liên minh xanh để chống lại biến đổi khí hậu và thiết lập các thỏa thuận đối tác kỹ thuật số.

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang trên đà đánh mất ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á. Khu vực này rất quan trọng đối với lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ đối tác với nền kinh tế số hai thế giới. Tuy nhiên, sự can dự gia tăng của các cường quốc phương Tây chỉ làm gia tăng sự cạnh tranh. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của cả Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn và khuyến khích sự minh bạch hơn trong khu vực.

Về cơ bản, sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ gây áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc, đặc biệt là về các vấn đề như an ninh hàng hải. Điều này sẽ có lợi cho Malaysia khi cho phép quốc gia Hồi giáo này theo đuổi chiến lược phòng ngừa rủi ro tốt hơn.

Bất chấp những chi phí xã hội, kinh tế và địa chiến lược rõ ràng từ đợt phong tỏa nghiêm ngặt, có lẽ mối quan tâm chính của Chính phủ Trung Quốc nằm ở sự ổn định chính trị. Tuy nhiên, có một sự thật đó là khi phần còn lại của thế giới đang dần thích nghi với điều kiện cuộc sống bình thường mới, Trung Quốc lại dường như bị mắc kẹt trong các phương pháp cũ và ngột ngạt.

Có lẽ, nước này cần chuyển từ chiến lược kiềm chế để đảm bảo phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ buộc chính phủ phải thừa nhận rằng chiến lược Zero COVID rốt cuộc không còn quá ưu việt trong bối cảnh hiện nay./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.