Mây đen che phủ thỏa thuận thương mại giữa EU và nước Anh

Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính của nước Anh và quyền của các công dân EU và Xứ sở Sương mù thời kỳ hậu Brexit, hai bên mới thảo luận về tương lai thỏa thuận thương mại.
Mây đen che phủ thỏa thuận thương mại giữa EU và nước Anh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 19/2, người đứng đầu nhóm đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit (tiến trình Anh rời khỏi EU), ông Michel Barnier đã công bố một lộ trình về thời gian và nội dung thảo luận giữa Vương quốc Anh và 27 nước thành viên EU.

Theo lộ trình, hai vấn đề ưu tiên thương lượng hàng đầu đối với EU là nghĩa vụ tài chính của nước Anh và quyền của các công dân EU và Xứ sở Sương mù thời kỳ hậu Brexit.

Tuyên bố trên được cho là "cú đòn" đánh vào tham vọng của nước Anh mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại mới thay thế thỏa thuận sắp hết hạn vào cuối năm 2018.

Trong thông báo được đăng tải trên tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) ngày 19/2, ông Michel Barnier cho biết sau khi hoàn tất việc thảo luận hai vấn đề nêu trên, EU và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục thảo luận về tương lai thỏa thuận thương mại giữa hai bên và sau cùng là các bước chuẩn bị cho thời kỳ chuyển đổi.

Kế hoạch của ông Barnier đưa ra nhằm buộc nước Anh phải chấp thuận các yêu cầu về phương thức thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình, còn con số chính xác cụ thể sẽ đợi thảo luận thông qua.

Động thái này của EU được cho là sẽ làm trì hoãn thỏa thuận thương mại giữa hai bên và phủ bóng đen lên cuộc đàm phán Brexit trong tương lai.

Trái ngược với yêu cầu của EU, Bộ trưởng phụ trách Brexit của nước Anh David Davis muốn mọi yếu tố liên quan đến Brexit sẽ được xử lý "song song đồng thời."

Hiện EU kiên định lập trường đại diện 27 nước thành viên EU sẽ cùng tham gia đàm phán và mọi quyết định của EU sẽ là quyết định tập thể. Tuy nhiên, các thành viên EU-27 có những quan điểm khác nhau liên quan đến chi tiết các cuộc thảo luận giữa nước Anh và EU.

Pháp và một số nước cho rằng nước Anh trước hết phải đưa ra cam kết nghĩa vụ tài chính, trong khi Tây Ban Nha lại phản đối việc đưa ra những yêu cầu về các bước trình tự khắt khe, và ủng hộ việc cần phải sớm có các cuộc thảo luận về tương lai của quan hệ Anh-EU.

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh EU-27 diễn ra vào đầu tháng 4/2017 sẽ tập trung thảo luận vấn đề liên quan đến Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.