Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo ngày 14/3 thông báo chính phủ nước này sẽ làm việc trên chương trình nghị sự nội bộ với các ngành công nghiệp sữa, dệt may và giày dép để tìm cách bảo vệ các lĩnh vực này trước những yếu tố bất lợi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trả lời báo giới, ông Guajardo cho biết bên cạnh những lợi ích, nhiều ngành công nghiệp của Mexico sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối tác trong thỏa thuận. Cụ thể, ngành sữa Mexico sẽ gặp bất lợi trước đối thủ New Zealand, trong khi lĩnh vực dệt may và giày da của nước này “thất thế” trước Việt Nam và Malaysia.
Nhằm bảo về các lĩnh vực này, Mexico sẽ đưa ra biện pháp tiếp cận hạn ngạch, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, kéo dài giai đoạn giảm thuế từ 14 năm lên 16 năm nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh.
[Hiệp định CPTPP: Làm gì để các doanh nghiệp 'nhỏ mà không yếu']
Ông Guajardo đánh giá CPTPP sẽ đẩy mạnh trao đổi thương mại của nhiều lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Mexico như nông nghiệp, ôtô, điện năng, dược phẩm và dệt may.
Với CPTPP, Mexico sẽ có thương mại tự do với 52 nước trên thế giới. Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo thỏa thuận này sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico tăng thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2030.
Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 8/3 vừa qua tại Chile, giữa 11 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP tạo ra một thị trường trên 500 triệu người tiêu dùng và chiếm 13,5% GDP của thế giới./.