Hiện chỉ còn hai tuần nữa, Miss Grand International 2019 sẽ chính thức diễn ra tại Venezuela. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức ở khu vực Nam Mỹ - nơi có nhiều cường quốc sắc đẹp của thế giới.
Cuộc thi mặc dù có tuổi đời thành lập còn non trẻ so với các cuộc thi khác, nhưng đã mau chóng được công nhận là một trong 5 cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới hiện nay.
[Miss Grand International tung clip tự giới thiệu của Á hậu Kiều Loan]
Mặc dù có không nhiều thời gian chuẩn bị sau khi trở thành Á hậu 1 Miss World Việt Nam, nhưng Kiều Loan đã không ngừng nỗ lực luyện tập, chuẩn bị cho cuộc thi qua từng ngày.
Một trong những phần thi đặc biệt quan trọng và gây chú ý tại Miss Grand International chính là Trang phục quốc gia (National costume). Mới đây, Á hậu Kiều Loan vừa nhá hàng tới người hâm mộ bản vẽ phác thảo bộ quốc phục của cô, có tên gọi “Huyền đăng hội.”
Bộ trang phục do nhà thiết kế Tín Thái thực hiện, lấy cảm hứng từ Chùa Cầu và đêm Hội An huyền diệu. Cảnh sắc đặc trưng Hội An được lựa chọn đưa vào bộ trang phục là do quê hương của Á hậu Kiều Loan ở Quảng Nam, và đây cũng là một trong những danh thắng nổi bật, giàu giá trị văn hoá, lịch sử của Việt Nam.
Được biết, êkíp của nhà thiết kế Tín Thái đã mất hơn hai tuần để thực hiện bộ trang phục. Kiều Loan tỏ ra căng thẳng không biết nên chọn màu sắc nào cho bộ trang phục dân tộc đem đi thi quốc tế lần này. Bởi màu vàng tuy hợp mệnh với người đẹp nhưng màu đỏ mới giúp cô tỏa sáng trên sân khấu.
“Huyền đăng hội” được đính kết bằng pha lê tạo hiệu ứng bắt sáng, cùng các chi tiết như mấn và cầu vai được xi mạ ánh vàng. Điều đặc biệt là hơn 2.000 bóng đèn led được đính vào thân áo, nhằm tái dựng hình ảnh Hội An về đêm sống động, lung linh, huyền ảo.
Phía trên cùng của trang phục là tinh túy văn hóa-lịch sử Quảng Nam và cũng là biểu tượng của Hội An-Chùa Cầu, được cách điệu ý nhị với đôi linh thần thú (Thần Khỉ và Thần Chó) - đúng với thực tế là những linh vật được cho rằng “trấn yểm,” bảo vệ sự an lành cho người dân phố Hội...
Thân áo được thêu kết hình ảnh đôi rồng trên cổng Chùa Ông, nổi tiếng và đặc trưng cho tín ngưỡng, lịch sử và nghệ thuật của kiến trúc Hội An xưa. Phần vai và hông áo là hình ảnh mái ngói quen thuộc của Hội An, được xi mạ vàng làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ và tượng trưng cho phong chất người Quảng Nam.
Nhìn tổng thể bộ trang phục toát lên sự mạnh mẽ, đầy quyền uy nhưng vẫn tôn lên vóc dáng của Kiều Loan. Nếu như phần trên của bộ cánh là hình ảnh mạnh mẽ của phom dáng trang phục thì phần dưới lại đầy mềm mại và tinh tế.
Váy áo kết hạt đá được xi mạ ánh vàng thành tua rua tạo hiệu ứng ánh sáng. Tà áo như một đại cảnh hoa đăng về đêm với sự lấp lánh và huyền ảo bởi hiệu ứng đèn.
Riêng phần boots được điêu khắc tỉ mỉ bằng gỗ. Tổng thể trang phục cân bằng giữa “âm và dương” trong khối hình, màu sắc và nội dung chuyển tải trên trang phục, hài hoà giữa chất liệu hiện đại và kỹ thuật trang trí truyền thống.
“Hiệu ứng ánh sáng là yếu tố Tín muốn chú trọng và cũng là phần quan trọng của bộ trang phục, góp phần truyền tải nét đẹp của văn hóa phố cổ. Tín muốn thể hiện một câu chuyện về văn hóa, lịch sử qua việc sử dụng công nghệ đèn led trên trang phục Việt và mang sang bờ bên kia châu lục, lên sân khấu Miss Grand International,” nhà thiết kế Tín Thái chia sẻ.
Trong khi đó, Á hậu Kiều Loan cho biết cô đã vô cùng ấn tượng khi thấy bản vẽ phác thảo cho bộ trang phục và khi được chiêm ngưỡng “Huyền đăng hội” hoàn thiện thì nàng Á hậu cảm thấy có thêm sức mạnh để tự tin chinh chiến tại cuộc thi.
“Đất nước Venezuela xinh đẹp và đầy bí ẩn đối với tôi. Mong rằng sớm được đặt chân đến nơi đây, mang vẻ đẹp Việt Nam ra với thế giới và góp phần quảng bá hình ảnh phố cổ Hội An xinh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế,” Kiều Loan chia sẻ./.