Ban tổ chức “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2020” vừa công bố 8 bài thi còn lại ở top 16 trong bảng All Stars. Các bài thi dành cho Hoa Hậu Khánh Vân.
Trước đó, 8 bài thi đầu tiên của bảng All Stars đã được công bố. Ban tổ chức cho biết, các bài thi bảng All Stars tách biệt với bảng Tự Do nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh.
Lương Đức Minh từng là thí sinh nhỏ tuổi nhất vào top 15 mùa 2017 với bài thi “Sắc nước hương trời” được khán giả bầu chọn nhiều nhất đồng thời là tác giả “Sơn Tinh Thủy Tinh” của mùa thi năm 2019. Dù nhỏ tuổi, Lương Đức Minh đã sớm thể hiện năng khiếu thời trang qua loạt tác phẩm có ý tưởng tốt, đa dạng chủ đề. Trở lại với năm nay, Lương Đức Minh dành tâm huyết cho “Huyền quang mộng.”
[Miss Universe 2020: Những 'Tuyệt tác đường cong' cho đại diện Việt Nam]
Tác phẩm lấy cảm hứng từ vẻ đẹp phố cổ Hội An, màu đỏ chủ đạo, điểm xuyết trên thân váy là hình ảnh chim phượng, đèn hoa đăng hình hoa sen. Mô hình chùa Cầu – biểu tượng độc đáo của Việt Nam gắn ở viền nón quai thao, những dải lụa buông lơi kết hợp với dây lồng đèn mang đến vẻ thướt tha, tôn vinh vẻ đẹp cao sang, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt Nam.
Ngô Chí Tây – top 18 mùa thi năm 2019 là cựu sinh viên khoa Thiết kế Thời Trang trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ưu điểm của Tây là kỹ thuật và ý tưởng hiện đại. Bài thi “Cánh diều vàng đậm” năm nay của cậu kế thừa và phát triển từ “Cánh diều vàng” năm 2019.
Lấy hình tượng bông lúa vàng cách điệu họa tiết tạo hình trên tổng thể bộ áo dài, bài thi thể hiện đường cong người phụ nữ Việt Nam một cách tinh tế. Diều sáo bay lên cách điệu uốn lượn chữ “S” thể hiện hình tượng đất nước Việt Nam đi lên, phát triển phồn thịnh.
Họa sỹ, nhà thiết kế Tạ Linh Nhân đã có hơn 10 năm gắn bó với công việc sáng tạo. Nhân từng lọt top 10 mùa thi năm 2016. Đặc biệt, Nhân có kinh nghiệm thiết kế và thực hiện các mẫu quốc phục cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao ASEAN; thiết kế trang phục cho một số bộ trưởng và đại sứ của Việt Nam tại nước ngoài...
Tham gia cuộc thi năm nay, Nhân mang đến tác phẩm “Phụng liên,” lấy hình ảnh hoa sen kết hợp với chim Phụng cùng nguồn cảm hứng từ vẻ đẹp của Hoàng hậu Nam Phương. “Phụng liên” được xử lý bằng công nghệ thêu nổi, in, cắt laser kết hợp với đính kết thủ công và chiếc mấn đội đầu, cánh đeo được chạm đồng.
Bộ trang phục gợi nhớ đến ngành nghề thêu và đúc đồng truyền thống của dân tộc Việt. Bên cạnh đó, với cách đặt để họa tiết có chủ ý, thì vũ điệu rực rỡ của loài chim Phụng cùng vẻ đẹp mảnh mai của từng cánh sen đã được tái hiện đầy chất thơ và nghệ thuật trên bộ trang phục.
Top 6 mùa thi năm 2017 Phạm Minh Phúc từng giúp Hoa hậu H’Hen Niê gây ấn tượng với bộ trang phục “Nữ quyền.” Vốn yêu thích và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, Minh Phúc luôn tìm tòi, học hỏi từ những chất liệu ấy để phát triển thành những bộ trang phục đậm đà bản sắc Việt.
Đến với cuộc thi năm nay, Phúc gửi gắm tình cảm vào bài thi “Vu quy,” tôn vinh phong tục cưới hỏi của người Việt. Tác phẩm có đầy đủ hình ảnh biểu trưng cho ngày cưới, với màu đỏ trên áo cô dâu, vòng kiềng, hình ảnh chim phượng trên chiếc mấn. Thông qua trang phục, tác giả muốn quảng bá phong tục cưới hỏi độc đáo, một hình ảnh đẹp viên mãn cho người phụ nữ Việt Nam.
Top 18 mùa thi năm 2019 Vũ Hương Giang là cô gái dành tình cảm đặc biệt cho hoa sen. Vẫn lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen như năm trước, bài thi “Cô gái và hoa” Giang năm nay cách tân tà áo dài phù hợp với yếu tố trình diễn trên sân khấu. Cụ thể, phần hoa sen đằng sau được thiết kế dễ tháo lắp bằng khớp, có gắn bánh xe tiện cho việc di chuyển.
Phạm Lâm Mỹ, top 5 mùa thi năm 2016 (“Phụng bào”), top 18 mùa thi 2019 (“Ngọc phương Đông”) là đại diện cho những cô gái trẻ có ước mơ, tâm huyết với trang phục dân tộc Việt.
Bài thi “Phụng liên” lấy ý tưởng chính là hoa sen và những hoa văn trang trí rồng-phụng thời Lý. Phần áo dài thay đổi theo xu hướng thời đại với những mảng cut-out khéo léo ở phần eo nhưng vẫn đảm bảo nét văn hóa dân tộc của tà áo dài truyền thống.
Á quân mùa thi năm 2016, Nguyễn Hữu Bình là tác giả của trang phục “Hồn Việt” được Á hậu Nguyễn Thị Loan trình diễn cho phần thi National Costume tại Miss Universe 2017. Bình có nhiều kinh nghiệm thiết kế, có trình độ chuyên môn và tận tâm với nghề.
Quay trở lại cuộc thi năm nay, Bình đầu tư cho tác phẩm “Mây trắng” lấy cảm hứng từ hình ảnh nữ sinh Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài. Cùng với đó là hình ảnh trường trung học Trưng Vương mang kiến trúc đặc trưng của Pháp, gợi nhớ ký ức đẹp của bao thế hệ học sinh Sài Gòn.
Giải thích về cách tạo hiệu ứng trên sân khấu, Nguyễn Hữu Bình cho biết: “Hình ảnh nữ sinh Việt Nam trong tà áo dài trắng, đầu đội nón lá dắt xe đạp (1 bánh) liên kết với cổng trường phía sau (có gắn bánh xe), sau đó cô gái thoải mái trình diễn cùng chiếc nón lá trên tay hoặc tay vẫy chào mọi người…”
Quán quân mùa thi năm 2016 Thái Trung Tín cùng với bộ trang phục “Nàng mây” giúp Lệ Hằng và Việt Nam ghi dấu ấn trong phần thi National Costume tại Miss Universe 2016.
Từ “Nàng mây” mở ra thời kỳ mới cho trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam tại Miss Universe, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về sự sáng tạo, phá cách. Tín cũng là người đứng sau trang phục dân tộc cho các nhan sắc Việt chinh chiến tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Đến với cuộc thi năm nay, Tín quyết định làm mới mình bằng bài thi “Ô mê trô” cùng lời nhắn nhủ: “Với khát vọng của một Việt Nam đang chuyển mình vươn đến những tầm cao, ‘Ô mê trô’ là hiện thân rực rỡ của sự bừng tỉnh, thoát xác. Tinh hoa truyền thống cất trong tim, khát khao tỏa sáng nung nấu trong đầu. Nhưng quan trọng nhất là: phải bước tới! Phải vươn cao đến vô cực! Hãy dấn bước với trái tim dũng cảm!”
“Ô mê trô” vượt khỏi những quy tắc thường thấy trong một thiết kế, hứa hẹn là một tác phẩm ấn tượng.
Thời gian nhận bài thi đã kết thúc vào cuối tháng Sáu. Khán giả sẽ bầu chọn ra top 16 bài thi trong bảng Tự Do để cùng top 16 bảng All Stars tham gia vòng 2 – Đối đầu. Thời gian bầu chọn sẽ kết thúc vào cuối tháng Bảy./.