Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, toàn tỉnh hiện có gần 15.000 ha mít Thái chuyên canh cho sản lượng thu hoạch mỗi năm gần 300.000 tấn quả cung ứng thị trường trong và ngoài nước.
Diện tích mít Thái tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy. Loại cây ăn quả đặc sản này thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất cao và đầu ra thuận lợi, vừa tiêu thụ trong nước vừa được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, nhất là Trung Quốc.
Đặc biệt, thời gian qua mít Thái có giá cao, các vựa thu mua mít trên địa bàn thị xã Cai Lậy đang thu mua ở mức mít loại 1 giá 30.000-31.000 đồng/kg, mít loại 2 giá 28.000-29.000 đồng/kg.
Còn thương lái vào tận vườn mua loại mít loại 1 có giá khoảng 29.000-30.000 đồng/kg, mít loại 2 giá 26.000-27.000 đồng/kg, loại xô giá 7.000 đ-8.000 đồng/kg... So với các tháng trước, giá mít Thái đã tăng gần gấp đôi.
Nông dân Nguyễn Văn Hiếu trồng 3.000 m2 mít Thái tại phường 4, thị xã Cai Lậy phấn khởi cho biết, ông vừa bán được gần 500 kg với giá bình quân 15.000 đồng/kg (do lượng mít loại I rất ít, chủ yếu là loại xô).
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, tuy mít Thái có giá nhưng hiện nay mít đã hết mùa, lượng cung ra thị trường không nhiều và ít có mít loại 1, loại 2.
[Tiền Giang: Giá mít Thái siêu sớm tăng mạnh trở lại sau Tết]
Các nhà vườn trồng mít tập trung chủ yếu trong giai đoạn xử lý, chăm sóc phục hồi chuẩn bị cho vụ mít cuối năm. Theo chị Nguyễn Thị Phương Ngọc, thương lái thu mua mít ở thị xã Cai Lậy, thì từ nay đến cuối năm giá mít Thái có thể vẫn giữ ở mức cao do lượng cung ít nhưng nhu cầu cao. Do vậy, nông dân tích cực thâm canh để có nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, nắm bắt thời cơ nhiều loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như mít, sầu riêng, thanh long,… được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP nhằm nâng chất lượng nguồn nông sản hàng hóa xuất khẩu đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nông dân thiết lập vùng chuyên canh, triển khai việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, trước mắt, Tiền Giang đã được cấp 77 mã số vùng trồng mít xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trên tổng diện tích gần 1.600 ha./.