Hàng không đã chính thức kết nối lại hàng loạt đường bay thương mại quốc tế. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để du lịch sớm phục hồi. Tuy nhiên, sau quãng dài kiệt sức ở “đỉnh đáy” vì COVID-19, du lịch có thể ngay lập tức “hồi sinh” hay không? và đặc biệt, để phục hồi bền vững trong bối cảnh mới các doanh nghiệp cần làm gì?
Đề xuất tháo gỡ khó khăn
Không phải cứ mở cửa là có thể phục hồi được ngay bởi du lịch cần thời gian thích ứng trong bối cảnh mới và đặc biệt cần một kế hoạch hành động tổng thể, dài hơi từ cơ quan quản lý thống nhất tới các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ... Bước đệm này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch nhanh và bền vững. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia ngành.
Tuy nhiên, nếu muốn phục hồi thuận lợi, nhanh chóng, cộng đồng doanh nghiệp du lịch lại đang phải đối diện nhiều thách thức cần vượt qua. Ông Phạm Hà, CEO Lux Group chia sẻ thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là vốn, nhân lực và sự đứt gãy chuỗi cung ứng du lịch.
[Du lịch Việt Nam: Chính sách thị thực giai đoạn mới sẽ thế nào?]
Theo ông Hà, du lịch Việt Nam cần định vị lại thương hiệu quốc gia, truyền thông rộng rãi hơn, nhắm tới chất hơn lượng, tập trung vào thị trường mục tiêu và bền vững khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Bởi giờ đây không phải ‘cá lớn’ nuốt ‘cá bé’ nữa mà là ‘cá nhanh’ nuốt ‘cá chậm.’ Việt Nam đang chậm chân so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
“Du lịch cần định hướng bền vững và có trách nhiệm dựa trên 6 trụ cột: Gìn giữ tài nguyên môi trường; trách nhiệm văn hóa xã hội; phát triển kinh tế địa phương; tạo công ăn việc làm, trả lương ổn định cho người dân địa phương; khách hàng thoả mãn và doanh nghiệp có lợi nhuận,” ông Hà đề xuất.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn muốn mở cửa thành công thì cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của thị trường đó, như mùa Hè tới có thể tập trung khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp hay Australia); thị trường gần có khu vực ASEAN có thể phục hồi nhanh và thường có nhu cầu du lịch gần; Đông Bắc Á và Trung Quốc nên tập trung vào quý III vì thời điểm đó họ mới mở cửa, thậm chí lâu hơn…
Còn ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng thì lo ngại sự thiếu đồng nhất về tiến trình đón khách du lịch trên cả nước, mỗi địa phương một quy định, chính sách thay đổi liên tục sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển thị trường và phát triển khách du lịch quốc tế của doanh nghiệp.
Do đó, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành chính sách cụ thể về đón khách du lịch quốc tế, chính sách được đồng bộ trung ương đến địa phương; đơn giản hóa quy trình kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo an toàn nhưng không làm khó cho du khách đồng thời tiếp tục mở rộng và miễn visa cho du khách quốc tế vào Việt Nam…
Lộ trình phục hồi được “thắp sáng”
Thời điểm này, mặc dù du lịch nội địa đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, nhưng CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài nhận định đa phần là người dân đi tự phát, tự túc không qua các chương trình du lịch của các công ty lữ hành. Thường chỉ có các tour đón khách nước ngoài đến (inbound), các tour đưa khách đi nước ngoài (outbound) thì du khách mới cần đến lữ hành và đó mới là thị phần chính của họ.
Nhằm đón đầu cơ hội phục hồi, các doanh nghiệp du lịch cũng đã chủ động và sẵn sàng các kế hoạch đón khách. CEO Nguyễn Văn Tài cho biết từ sau cao điểm đợt dịch thứ 4 đơn vị này tập trung vào hai mảng dịch vụ chính gồm: các tour, dịch mở phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam và các tour outbound trọn gói ngay khi điều kiện cho phép.
Với các mảng dịch vụ inbound, hiện công ty đã hoàn tất các chương trình tour xuyên Việt từ 7-15 ngày và các tour tại một số điểm đến lớn từ 2-5 ngày cho thị trường khách nói tiếng Anh và tiếng Nga. Với mảng tour outbound, công ty đã có lịch khởi hành và đặt dịch vụ với đối tác Dubai, Nga và Thái Lan cho giai đoạn từ tháng Ba tới. Hiện hai mảng dịch vụ này đã được đầu tư marketing và quảng cáo tích cực qua các kênh online của công ty và các nền tảng thương mại điện tử về du lịch.
Ngay cuối tháng Hai này, Vietravel sẽ có đoàn charter 180 khách đi hành hương Ấn Độ, khởi hành từ Hà Nội vào ngày 26/2 và đoàn khoảng 45 khách đi Dubai khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/3. Đây là 2 đoàn khách outbound khởi hành đầu tiên của Vietravel trong năm 2022.
Trong khi đó, tại Saigontourist Group, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú đang có những dấu hiệu hồi phục tốt. Tỷ lệ khách đặt phòng sau dịch ước tính tăng khoảng 30% so giai đoạn trước dịch. Đến thời điểm này, khoảng 100 cơ sở kinh doanh lưu trú, lữ hành, ẩm thực, giải trí… của doanh nghiệp trên khắp cả nước đã mở cửa trở lại trong tình trạng bình thường mới. Saigontourist cũng đã mở lại các tour nước ngoài từ tháng Hai.
Có thể nói, toàn bộ hệ thống dịch vụ của ngành du lịch đang từng bước được kích hoạt trở lại để đón khách. Việc Chính phủ chấp thuận phương án mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng Ba đã thắp sáng niềm tin về cơ hội phục hồi và phát triển nhanh chóng đối với ngành du lịch nói chung, cũng như lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng.
Clip "Việt Nam: Đi để yêu!":
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Chính phủ tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vaccine) của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới; gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam. |