Mở cửa thử nghiệm đón khách ở Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Việc xây Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhằm tôn vinh, tri ân công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo tiền bối và cá nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Sáng 6/7, tại Hà Nội, nhân dịp tri ân 56 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967-6/7/2023), Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại số 81 đường Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã chính thức mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tại sự kiện, Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cho biết: Năm 2020, theo nguyện vọng của gia đình Đại tướng và được sự đồng thuận của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bắt đầu được nâng cấp thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ngay sau khi có quyết định thành lập, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã triển khai làm thủ tục xin cấp phép xây dựng tòa nhà bảo tàng.

Kiến trúc tòa nhà bảo tàng được thiết kế dựa trên nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ký ức của các thành viên trong gia đình Đại tướng.

[Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị mở cửa đón khách]

Đây là ngôi nhà trước đây Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến năm 1986 với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và cũng tại nơi đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để quyết định về đường lối của cách mạng miền Nam sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 8/8/1964.

Bảo tàng có tổng diện tích 500m2, trong đó 200m2 là diện tích trưng bày, phòng hội thảo, xem phim, đọc sách; 100m2 là diện tích văn phòng và kho; 150m2 là diện tích sân vườn.

Hệ thống trưng bày ngoài không gian khánh tiết còn bao gồm 8 chủ đề chính: Quê hương-Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình-Hành trình tiếp nối.

Ngoài các chủ đề trên, Bảo tàng còn trưng bày các tiểu đề như Đối ngoại, Ông tướng Du kích, Chống Chủ nghĩa cá nhân, Văn hóa-Văn nghệ, Thể dục-thể thao, Đại tướng của nông dân, Vì hòa bình mà đánh.

Hệ thống trưng bày giới thiệu 670 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, 23 pho tượng đồng gắn với các nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam, 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam.

Ngoài ra còn có trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

“Công trình bảo tàng xây dựng từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022 thì hoàn thành. Bảo tàng nhằm tôn vinh, tri ân công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo tiền bối và cá nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, góp phần tuyên truyền giáo dục, lịch sử truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang và du khách khi đến Thủ đô Hà Nội”, Đại tá Phạm Văn Phi thông tin.

“Trong thời gian từ nay đến tháng 12/2023, Bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và khách tham quan để hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành vào ngày 1/1/2024 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng” Đại tá Phạm Văn Phi cho biết.

Phát biểu tại sự kiện, Đại tá Nguyễn Văn Oanh, Phó Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người lãnh đạo, chỉ huy mưu lược, tài trí, kiên quyết và có tầm nhìn chiến lược.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm nóng bỏng nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Việc thành lập, xây dựng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là việc làm rất có ý nghĩa, đúng với chủ trương đẩy mạnh các nguồn lực, xã hội hóa hoạt động bảo tàng của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm tri ân những công lao, cống hiến của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam và quân đội.

“Chúng tôi tin tưởng, khi đi vào hoạt động, Bảo tàng sẽ là địa chỉ đỏ để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sỹ toàn quân và nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế” - Đại tá Nguyễn Văn Oanh nhấn mạnh./.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được các chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng, lịch sử, mỹ thuật tư vấn, lập đề cương trưng bày. Thiết kế kiến trúc tòa nhà bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng cùng nhiều kỷ niệm sâu sắc mà Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến 1986. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hệ thống trưng bày của Bảo tàng gồm 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung, Việt Bắc, Xây dựng quân đội, Xây dựng hòa bình ở miền Bắc, Cách mạng miền Nam, Ngày 6/7, Tấm lòng những người ở lại, Gia đình - hành trình tiếp nối. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngoài ra còn có các tiểu đề về Bình Trị Thiên khói lửa, nông nghiệp, đối ngoại, văn hóa văn nghệ, thể thao... (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hệ thống trưng bày giới thiệu hơn 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Bảo tàng cũng có hai không gian tái hiện phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam; trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Không gian tái hiện bàn làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Du khách sẽ tham quan theo trình tự từ phía cổng vào di chuyển lên tầng 2 tham quan xuống tầng 1. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Không trưng bày tại các tầng được thiết kế sinh động với chất liệu bền vững, màu sắc hài hòa, sử dụng ánh sáng chiếu vào trung tâm hiện vật giúp người xem dễ cảm nhận và gần gũi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Khu trưng bài tái hiện thông tin ngày 6/7/1967 khi Đại tướng chuẩn bị quay trở lại chiến trường miền Nam để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thì đột ngột qua đời. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục là một địa chỉ cung cấp them thông tin giáo dục cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Bảo tàng tiến hành mở cửa đón khách tham quan từ thứ Ba đến Chủ Nhật hằng tuần vào các khung giờ từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 14 giờ đến 17 giờ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục