Mỏ dầu Sharara của Libya lại đóng cửa sau vài ngày hoạt động

Nhóm vũ trang, do Mohamed Khalifa chỉ huy, đã ra lệnh cho công nhân ngừng hoạt động mỏ dầu khổng lồ Sharara chỉ vài ngày sau khi mỏ dầu này vừa được hoạt động trở lại.
Mỏ dầu Sharara của Libya lại đóng cửa sau vài ngày hoạt động ảnh 1Toàn cảnh mỏ dầu El Sharara ở miền Nam Libya. (Nguồn: Reuter/TTXVN)

Ngày 9/6, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC) của Libya cho biết một nhóm vũ trang đã đóng cửa mỏ dầu khổng lồ Sharara chỉ vài ngày sau khi mỏ dầu này vừa được hoạt động trở lại.

Theo thông tin NOC cung cấp, nhóm vũ trang trên do Mohamed Khalifa chỉ huy, đã ra lệnh cho công nhân ngừng hoạt động mỏ dầu.

Khalifa đứng đầu một trong những lực lượng liên kết với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar đã phong tỏa hầu hết các mỏ dầu của Libya vào tháng Một vừa qua.

Lực lượng của ông ta sau đó đã rút lui khi chiến dịch chiếm đóng thủ đô Tripoli thất bại.

Sản lượng của mỏ dầu Sharara trước đây là khoảng 300.000 thùng mỗi ngày.

Mỏ này mới khôi phục hoạt động trở lại từ ngày 6/6 vừa qua sau khi một van đường ống bị đóng từ tháng Một được mở lại.

Mỏ dầu Sharara lúc đó tuy không bị phong tỏa nhưng NOC cho biết nhóm vũ trang đã ngăn cản quá trình bảo dưỡng một bể chứa 16.000 thùng dầu, dẫn đến bể chứa này bị sập.

NOC điều hành mỏ dầu Sharara trong liên doanh với Repsol của Tây Ban Nha, Total của Pháp, OMV của Áo và Equinor của Na Uy.

Hiện ở Libya đang tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA hoạt động ở thủ đô Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi LNA trung thành với Tướng Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.

Theo thống kê, tình trạng bạo lực tại Libya đã khiến hàng nghìn người thương vong và buộc hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về nguy cơ thảm họa nhân đạo có thể bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.