Mở đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông-xã hội dịp Quốc khánh

Trọng tâm thực hiện cao điểm là các thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương có nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi và các tuyến giao thông trọng điểm như quốc lộ 1A, 5, 10, 18, 20, 51.
(Ảnh minh họa: Xuân Tiến/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Xuân Tiến/TTXVN)

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, cho biết Cục Cảnh sát giao thông vừa yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương mở cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông-trật tự xã hội nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động kỷ niệm của Nhà nước và đi lại của nhân dân trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trong dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Kế hoạch được thực hiện trong 2 tháng, đến hết ngày 14/9.

Trong cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đối với xe khách; giúp người dân  đi lại an toàn, thông suốt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Qua đó, Cảnh sát giao thông cũng tiến hành đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông.

Với mục đích thực hiện cao điểm phải thực sự có hiệu quả, góp phần làm chuyển biến rõ rệt tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông trọng điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trên đường bộ sẽ tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định; điều khiển xe chạy quá tốc độ; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; xe tải chở quá trọng tải; đi không đúng phần đường, làn đường; không có giấy phép lái xe, hoặc giấy phép lái xe không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng quy cách.

Trọng tâm thực hiện cao điểm là các thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương có nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi và các tuyến giao thông trọng điểm như quốc lộ 1A, 5, 10, 18, 20, 51, các tuyến đường bộ cao tốc.

Trên đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông đường sắt phối hợp với chính quyền, Công an các địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang, lối đi tự mở phức tạp về an toàn giao thông, phương tiện đường bộ dừng, đỗ trong hành lang an toàn giao thông đường sắt; quy định về phòng, chống cháy nổ; vận chuyển hành khách, hàng hóa; việc chấp hành nội quy đi tàu của hành khách.

[Các phương tiện đi lại ra sao khi tiến hành sửa chữa cầu Thăng Long?]

Cảnh sát giao thông đường sắt phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật công trình và thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt, quy trình tác nghiệp của công nhân viên đường sắt...

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống ở gần các ga xe lửa, hành lang đường sắt chấp hành pháp luật an toàn giao thông.

Trên đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm, phức tạp; tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, như phương tiện thủy vi phạm các quy định đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; quy định về vận tải đường thủy; quy định về bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy; khai thác khoáng sản (cát, sỏi ....) trái phép; buôn lậu, gian lận thương mại; vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, vận chuyển pháo nổ, chất nổ.

Cảnh sát đường thủy phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Giao thông vận tải và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý và đình chỉ hoạt động của các cảng, bến và phương tiện thủy chưa đáp ứng được các điều kiện về an toàn; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm về kinh doanh vận tải khách du lịch, tàu khách cao tốc... đặc biệt, chuẩn bị kỹ các phương án chống lụt, bão.

Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, đài phát thanh, truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền về kế hoạch này, trong đó tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, mặc áo phao đúng quy định khi đi trên phương tiện thủy.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông.

Cục Cảnh sát giao thông cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban, trực chiến và ứng trực theo quy định, sẵn sàng huy động khi có lệnh của cấp trên, không để bị động trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong các ngày nghỉ lễ Quốc khánh và các hoạt động kỷ niệm của Nhà nước, tập trung lực lượng, phương tiện triển khai các phương án điều tiết, phân luồng để phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục